Doanh nghiệp cấp tập làm đơn...

Mới đây, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường có văn bản gửi Thủ tướng xem xét, chấp thuận chỉ định thầu cho doanh nghiệp này thi công xây dựng dự án thành phần Hàm Nghi - Vũng Áng, thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Xuân Trường cam kết nghiêm chỉnh thực hiện hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan tổ chức thi công đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng, kỹ mỹ thuật công trình.

Doanh nghiệp này cũng cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực để thi công đảm bảo rút ngắn tiến độ từ 3 đến 6 tháng; tiết kiệm 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng); tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hiện hành,...

Được biết, Dự án Hàm Nghi - Vũng Áng là một trong 12 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025. Dự án có chiều dài dự kiến khoảng 54 km có tổng mức đầu tư là 10.185 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư công.

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là đơn vị từng được chỉ định thầu và trúng thầu thi công nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ như quốc lộ 1, quốc lộ 10 qua tỉnh Ninh Bình; cao tốc nối TP Hạ Long đến cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh; cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn Mai Sơn - QL45; tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, qua địa phận tỉnh Hà Nam, Hưng Yên,…

Tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Xuân Trường là nhà thầu độc lập được lựa chọn để thi công dự án Cao Bồ - Mai Sơn và đã hoàn thành vào năm 2021.

Thời gian vừa qua, có khá nhiều đơn xin chỉ định thầu các gói thầu xây lắp dự án xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã được các nhà thầu gửi tới cấp có thẩm quyền.

Ngoài Xuân Trường, còn có Trung Nam, Đèo Cả, Him Lam, Hòa Bình, DIC Corp, Sơn Hải, Phương Thành, Licogi 16, Trường Thịnh; Vinaconex E&C; Hưng Thịnh,… đã gửi đơn xin được chỉ định thầu thông qua việc lập các liên danh hoặc nhận thầu với tư cách là nhà thầu độc lập.

Trong đơn xin chỉ định thầu, các ứng thầu đều đưa ra cam kết mạnh mẽ như: rút ngắn tiến độ từ 3 - 6 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng). Thậm chí, có liên danh như DIC Corp – Him Lam (xin nhận thầu cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu) cho biết là đã làm việc với các tổ chức tín dụng như Sacombank, LienVietPostBank để hỗ trợ tăng tính chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn thi công công trình.

Nhận diện những thiệt - hơn

Liên quan đến cơ chế chỉ định thầu được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 18/NQ-CP triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 nhiều chuyên gia cho rằng việc "công tâm chọn mặt gửi vàng" làm Cao tốc Bắc - Nam cần xét kỹ kinh nghiệm thi công, tránh trường hợp hồ sơ đẹp, năng lực yếu.

vu-tien-loc.jpg
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Nêu quan điểm về quyết định chỉ định thầu các dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam phía Đông của Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đó là sự quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính với tinh thần “biến điều không thể thành có thể, biến khó thành dễ” để sớm đưa công trình này vào sử dụng theo Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội.

Theo dõi sát chuyến “xuyên Tết, xuyên Việt” hồi đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Vũ Tiến Lộc hoàn toàn đồng tình với một số nội dung Thủ tướng chỉ đạo trong đó có việc các dự án bị chia nhỏ lẻ các gói thầu, tại cuộc họp chiều tối mồng 5 Tết Nhâm Dần tại TP. Vinh (Nghệ An).

“Nên dành những gói thầu đủ lớn, có quy mô thích hợp, cho các nhà đầu tư đồng thời là nhà thầu đã có kinh nghiệm, có tiềm năng vượt trội về quản trị và công nghệ đã được chứng minh qua thực tiễn, đã hoàn thành các dự án cao tốc mang tính tương tự trong thời gian qua, theo cách cha ông thường nói “chọn mặt gửi vàng” một cách công tâm vì lợi ích chung," ông Lộc nói.

Đánh giá về những thuận lợi của hình thức chỉ định thầu, ông Lộc cho rằng, chỉ định thầu được áp dụng đối với những dự án quan trọng do tính chất đặc biệt hoặc do yêu cầu cấp bách về mặt thời gian. Vì vậy, việc Chính phủ quyết định chỉ định thầu để thi công các dự án thành phần của tuyến đường Cao tốc Bắc - Nam phía Đông là “quyết định hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật” và yêu cầu thực tiễn cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công để phục vụ yêu cầu phục hồi nền kinh tế trong ngắn hạn và phát triển nền kinh tế dài hạn.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng nhận định chất lượng công trình qua phương thức chỉ định thầu và phương thức đấu thầu về cơ bản là tương đồng.

Về hiệu quả kinh tế, thực tế đấu thầu trong những năm qua đối với các dự án giao thông thì mức giá bỏ thầu của các của các nhà thầu thường chỉ dao động ở mức vài phần trăm - ngoại trừ trường hợp đặc biệt như doanh nghiệp là nhà đầu tư đồng thời là nhà thầu như Tập đoàn Đèo Cả - đã tiết giảm gần 1.000 tỷ đồng tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Chủ tịch VIAC đề xuất khi xây dựng phương án mời thầu cần kiểm soát ngay chi phí đầu vào, quá trình chỉ định thầu phải bảo đảm sự công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm của các bên liên quan là các doanh nghiệp, là nhà thầu thi công. Vai trò của chủ đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) rất quan trọng để chúng ta chọn được nhà thầu phù hợp.

Ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho rằng chỉ định thầu còn là giải pháp loại bỏ hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, giúp cơ hội trúng thầu của các nhà đầu tư lớn rộng mở hơn.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), 12 dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam chỉ còn 4 năm để triển khai nên rất khó hoàn thành nếu không có những cơ chế đột phá. Do đó, chỉ định thầu với các tiêu chí rõ ràng, minh bạch là giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay để 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có thể về đích chỉ trong một kỳ trung hạn.

Tuy nhiên, theo ông Chủng, để dự án giao thông - một sản phẩm trong tương lai - được hình thành theo đúng kỳ vọng, việc “chọn mặt gửi vàng” không chỉ nhìn vào mức độ lộng lẫy của hồ sơ mà phải dựa trên chất lượng sản phẩm mà nhà thầu đã thực hiện trong quá khứ.

Cũng theo Chủ tịch VARSI, để loại bỏ được cơ chế “xin-cho” và những tin đồn tiêu cực về hiện tượng “quân xanh, quân đỏ," cơ quan chỉ định hoặc đề xuất chỉ định cần phải công khai, minh bạch về tiêu chí lựa chọn, kết quả lựa chọn.

Nhà thầu nào trúng phải công bố rộng rãi để bên cạnh việc kiểm soát, giám sát của chủ đầu tư, cơ quan quản lý, các đối thủ khác trượt thầu cũng có thể giám sát xem nhà thầu được lựa chọn có thực hiện tốt hay không, đảm bảo được tiến độ, chất lượng như đã cam kết hay không.