![]() |
Gojek rời Việt Nam từ tháng 9/2024 |
Một trong những thương vụ tiềm năng gây chú ý nhất ngành gọi xe khu vực đang được định hình: Grab – “ông lớn” của Đông Nam Á – được cho là đang đàm phán để thâu tóm GoTo, công ty mẹ của Gojek, trong quý II/2025. Thông tin được tiết lộ bởi hai nguồn tin thân cận với Reuters, cho biết Grab đã thuê các cố vấn tài chính và đang làm việc với ngân hàng để chuẩn bị nguồn lực tài chính cho thương vụ.
Phía Grab từ chối đưa ra bình luận chính thức, trong khi GoTo cũng phát đi thông cáo cho biết họ chưa có quyết định nào liên quan đến các đề xuất nhận được. Theo dữ liệu từ LSEG, cổ phiếu GoTo đã tăng 20% từ đầu năm đến nay, nâng giá trị thị trường lên khoảng 5,8 tỷ USD. Nếu thương vụ sáp nhập diễn ra thuận lợi, định giá ước tính có thể đạt 7 tỷ USD. Trong khi đó, cổ phiếu Grab trên sàn Nasdaq cũng tăng 2,4%, đưa vốn hóa lên gần 20 tỷ USD.
Theo kế hoạch đang được thảo luận, Grab sẽ tiếp nhận toàn bộ hoạt động của Gojek tại Indonesia – ngoại trừ mảng tài chính. Phần kinh doanh quốc tế của GoTo cũng sẽ được bán lại. Tuy nhiên, các điều khoản chưa được thống nhất và quá trình đàm phán vẫn đang diễn ra.
Nếu được thông qua, thương vụ này có thể tạo ra một “siêu liên minh” trong ngành gọi xe Đông Nam Á. Theo Euromonitor, thực thể hợp nhất sẽ nắm giữ khoảng 85% thị phần toàn khu vực, riêng tại Indonesia và Singapore có thể vượt ngưỡng 90% – mức gây lo ngại rõ rệt về rủi ro cạnh tranh không lành mạnh.
Tại Đài Loan, một tiền lệ đáng chú ý đã xảy ra khi Uber buộc phải rút lại đề xuất mua mảng Foodpanda với giá 950 triệu USD do cơ quan chức năng từ chối cấp phép vì lo ngại độc quyền. Các chuyên gia đánh giá Singapore có thể theo hướng giám sát nghiêm ngặt, trong khi Indonesia được kỳ vọng có thể linh hoạt hơn, do cần cân đối giữa tăng trưởng nội địa và bảo hộ cạnh tranh.
Góc nhìn từ thị trường xe công nghệ Việt Nam
Tháng 9/2024, Gojek tuyên bố chính thức rút khỏi Việt Nam sau gần 6 năm hoạt động, khép lại hành trình khởi đầu đầy tham vọng từ năm 2018 dưới tên gọi GoViet. Quyết định được đưa ra trong chiến lược cơ cấu lại mô hình hoạt động toàn cầu, cắt giảm các thị trường không còn mang lại lợi nhuận kỳ vọng.
Theo khảo sát của Q&Me công bố năm 2024 (trước thời điểm Gojek rời Việt Nam), hãng chỉ còn chiếm 7% thị phần người dùng thường xuyên tại Việt Nam – kém xa so với Grab (42%) và Be (32%). Đáng chú ý nhất là sự vươn lên nhanh chóng của Xanh SM, nền tảng gọi xe thuần điện do Tập đoàn Vingroup đầu tư. Chỉ sau 2 năm ra mắt, đến cuối năm 2024, Xanh SM vượt Grab để chiếm lĩnh vị trí số 1 về thị phần trong nước – một thành tích hiếm có trên thị trường mà Grab gần như độc quyền nhiều năm.
![]() |
Thị trường xe công nghệ Việt đang là cuộc đua chính của Xanh SM, Grab và Be |
Dữ liệu từ Mordor Intelligence cho thấy thị trường gọi xe Việt Nam năm 2024 được định giá khoảng 880 triệu USD, dự kiến đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép 19,5%/năm. Tuy nhiên, cuộc chơi hiện tại không chỉ xoay quanh ứng dụng di chuyển mà còn gắn với mô hình tích hợp – thân thiện môi trường – công nghệ bản địa hóa.
Trong khi Grab chọn chiến lược mở rộng quy mô thông qua thâu tóm, Xanh SM theo đuổi triết lý xây dựng hệ sinh thái dịch vụ xanh và công nghệ số hóa toàn diện, từ xe điện, trạm sạc, đến quản lý vận hành và chăm sóc khách hàng. Đây là mô hình ngày càng được lòng người dùng trong bối cảnh đô thị hóa và nhu cầu di chuyển bền vững tại Việt Nam ngày càng tăng.
Dù Grab – Gojek có thể tạo ra một thế lực mới thống trị thị phần Đông Nam Á nếu sáp nhập thành công, nhưng tại Việt Nam, cục diện đã khác. Sự trỗi dậy của Xanh SM cùng các ứng dụng nội địa như Be đang tạo ra một “thế chân kiềng” cân bằng hơn, gắn liền với nhu cầu bản địa và xu thế tiêu dùng xanh.
Thị trường gọi xe không còn là cuộc đua giá, mà là sự hội tụ giữa hạ tầng, trải nghiệm và tầm nhìn – nơi những doanh nghiệp hiểu người dùng và phù hợp với xu thế phát triển bền vững sẽ có lợi thế dẫn đầu.