Theo Báo cáo thị trường trái phiếu tháng 4/2025 do Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) công bố, thị trường tiếp tục ghi nhận diễn biến sôi động ở cả kênh sơ cấp và thứ cấp, song áp lực đáo hạn đang gia tăng mạnh, đặc biệt trong nhóm trái phiếu bất động sản.
Từ nay đến cuối năm 2025, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ước tính lên tới 163.212 tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản chiếm 53%, tương đương 86.444 tỷ đồng. Đây là con số đáng chú ý trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn đang chật vật tái cơ cấu dòng tiền và tài sản.
Trong tháng 4, các doanh nghiệp đã chủ động mua lại trước hạn 10.318 tỷ đồng trái phiếu, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận hai mã trái phiếu chậm thanh toán lãi trị giá 10,3 tỷ đồng, cho thấy áp lực thanh khoản còn hiện hữu.
![]() |
Từ nay đến cuối năm 2025, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ước tính lên tới 163.212 tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản chiếm 53%, tương đương 86.444 tỷ đồng. (Ảnh: VBMA) |
Tại thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước tổ chức 20 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ, gọi thầu tổng cộng 64.000 tỷ đồng, với tỷ lệ trúng thầu đạt 66,3%. Không có phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ bảo lãnh trong tháng 4.
Lợi suất trái phiếu chính phủ đồng loạt tăng ở tất cả các kỳ hạn, phản ánh kỳ vọng điều chỉnh chính sách tiền tệ trong bối cảnh áp lực lạm phát và nhu cầu huy động vốn của Chính phủ gia tăng.
Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch outright đạt 169.374 tỷ đồng, giảm 29,1% so với tháng trước. Giao dịch mua bán lại (repo) cũng giảm 25,7%, xuống mức 80.880 tỷ đồng.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổng giá trị giao dịch thứ cấp đạt 100.469 tỷ đồng, bình quân khoảng 5.023 tỷ đồng/phiên, giảm 13% so với tháng trước, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh nhiều trái phiếu bất động sản chuẩn bị đến hạn.
Trong tháng 4/2025, thị trường ghi nhận 19 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 30.067 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 4.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Tập đoàn Vingroup đã thông qua phương án phát hành tối đa 10.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ chia làm 5 đợt trong năm 2025. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 2 năm, lãi suất cố định, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu.
Trong khi đó, Ngân hàng BIDV cũng chuẩn bị phát hành trái phiếu riêng lẻ với quy mô lên tới 23.000 tỷ đồng, chia làm 50 đợt, kỳ hạn tối thiểu 5 năm. Lãi suất áp dụng theo cơ chế kết hợp giữa cố định và thả nổi.