Trong báo cáo phân tích trung và dài hạn mới công bố, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đã đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), với giá mục tiêu 22.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức lợi nhuận kỳ vọng lên tới 36% so với mức giá đóng cửa ngày định giá 5/5/2025 là 16.600 đồng/cổ phiếu.

Báo cáo cho thấy VPBank ghi nhận tăng trưởng bảng cân đối khá tích cực trong quý I/2025, với tổng tài sản tăng 7,6% so với cuối năm 2024, tiệm cận mốc 1 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất (không bao gồm khoản phải thu đã bán cho GPBank) đạt 5,2%, vượt xa mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống là 3,9%. Động lực chính đến từ ngân hàng mẹ với mức tăng 5,4%, nâng dư nợ lên 663 nghìn tỷ đồng.

Cấu trúc danh mục tín dụng ghi nhận sự đa dạng hóa rõ nét và giảm phụ thuộc vào bất động sản, khi các ngành như thương mại (+13,7%), sản xuất – chế tạo (+12,4%) và tài chính (+26,6%) ghi nhận mức giải ngân cao. Cho vay mua nhà tăng nhẹ 6,2%, tiệm cận mốc 100.000 tỷ đồng, cho thấy ngân hàng vẫn duy trì được tốc độ mở rộng tín dụng bán lẻ ổn định.

Về huy động, tiền gửi khách hàng tăng 13,7%, còn huy động qua giấy tờ có giá – nguồn vốn trung dài hạn – tăng tới 17,6%, tạo nền tảng tích cực cho hoạt động giải ngân trong các quý tiếp theo.

Mirae Asset ghi nhận nhiều dự án bất động sản do đối tác của VPBank sở hữu đã được tháo gỡ pháp lý và tái khởi động, là yếu tố hỗ trợ quan trọng. Từ đó, công ty chứng khoán này điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 lên 25,8%, từ mức dự phóng trước đó là 23,8%.

Chất lượng tài sản của VPBank nhìn chung vẫn đang chịu áp lực. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng 50 điểm cơ bản, lên 4,74%, với tổng nợ xấu tăng 19,1% so với cuối năm 2024. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) cũng giảm gần 9 điểm phần trăm, còn 47,4%. Trong kỳ, cả ngân hàng mẹ và công ty con lần lượt phát sinh khoảng 3.000 và 2.500 tỷ đồng nợ xấu mới.

Tuy nhiên, điểm tích cực là dư nợ nhóm 2–5 giảm 8,8%, còn khoảng 66.000 tỷ đồng, cho thấy phần lớn nợ xấu phát sinh mới chủ yếu do chuyển nhóm từ nhóm 2 lên nhóm 3–5, thay vì phát sinh mới hoàn toàn. Nhờ đó, tỷ lệ nợ dưới chuẩn giảm mạnh từ 10,45% xuống 9,04%, thể hiện nỗ lực kiểm soát rủi ro tín dụng.

Một cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA, tiềm năng tăng giá tới 36%

Trong quý I/2025, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 20% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng 17,9% và thu nhập ngoài lãi tăng 5,9%. Dù mảng dịch vụ sụt giảm 24,8% do thay đổi trong cách hạch toán, thu nhập khác lại tăng mạnh nhờ khoản thu hồi nợ xấu tăng gần 130%.

Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng đều tăng (lần lượt 11,8% và 15,9%), gây áp lực lên biên lợi nhuận. Dù vậy, NIM vẫn cải thiện nhẹ 5 điểm cơ bản so với quý trước, lên mức 5,99%, nhờ chi phí vốn giảm. Đáng chú ý, chương trình “Tự động sinh lợi” – sản phẩm huy động mới của VPBank – được đánh giá đã giúp cải thiện cơ cấu vốn huy động, giảm phụ thuộc vào các kênh kém hiệu quả.

Dù kết quả hoạt động tích cực, Mirae Asset cho rằng một số yếu tố khiến lợi nhuận dự báo năm 2025 phải điều chỉnh giảm nhẹ 3,1%, do ảnh hưởng từ mảng tài chính tiêu dùng phục hồi chậm và cạnh tranh gia tăng ở phân khúc cho vay mua nhà. NIM dự phóng năm 2025 được điều chỉnh giảm từ 6,3–6,4% xuống 6,1–6,2%, tương ứng với triển vọng dài hạn thực tế hơn.

Dù vậy, với tăng trưởng tín dụng tích cực, cấu trúc huy động cải thiện và hiệu quả hoạt động đang dần hồi phục, Mirae Asset vẫn duy trì khuyến nghị MUA cổ phiếu VPB, nhấn mạnh tiềm năng tăng giá 36% trong trung – dài hạn.