Chiều 3/7, diễn đàn “Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới” do TheLEADER tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Cao Cương - Tổng biên tập TheLEADER khẳng định đất nước đang bước vào thời kỳ cải cách chưa từng có, với những thay đổi sâu sắc về thể chế, quy hoạch, mô hình kinh tế và chiến lược công nghệ.
Trong đó, kinh tế tư nhân lần đầu tiên được xác lập là động lực quan trọng nhất và lĩnh vực bất động sản đang được Chính phủ ưu tiên tháo gỡ vướng mắc cho hơn 1.500 dự án, đồng thời thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, công cuộc sáp nhập tỉnh đang mở ra một không gian phát triển mới mang tầm quốc gia, tạo cơ hội lớn chưa từng có cho bất động sản.
Thoát "vòng kim cô" sau 40 năm
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam vừa thoát "vòng kim cô" sau 40 năm bị trói buộc trong tư duy kinh tế. Việc chính thức coi kinh tế tư nhân là động lực trung tâm từ năm 2025 là bước ngoặt lịch sử, mở đường cho các chính sách bình đẳng, không phân biệt đối xử và không hình sự hóa hoạt động kinh doanh.
![]() |
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ |
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về thực trạng tụt hậu trong khi tăng trưởng vẫn tích cực và những nghịch lý về thể chế, hạ tầng, môi trường kinh doanh, khiến “đầu tàu” kinh tế như TP. HCM tăng trưởng chậm hơn cả “toa tàu”. Bất động sản vốn là thị trường “đầy nghịch lý” có thể bùng nổ nếu cải cách thể chế thực chất hơn và môi trường cạnh tranh bình đẳng được thiết lập.
Với tốc độ tăng trưởng dự kiến hai con số, ông Thiên cho rằng bất động sản sẽ bước vào thời kỳ phát triển khác thường, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ nếu không quản lý kịp thời. Doanh nghiệp cần thay đổi mô hình quản trị, bắt kịp chuyển đổi số và xu hướng bất động sản xanh, số hóa.
Sáp nhập tỉnh thành sẽ tạo ra các siêu dự án bất động sản
Ông Nguyễn Trung Vũ - Chủ tịch HĐQT Cen Group nhìn nhận thực tiễn đang đi vào chính sách - điều hiếm thấy trước đây, đang tạo niềm tin mới cho doanh nghiệp. Ông kỳ vọng thị trường sẽ “bùng nổ” theo hướng tích cực, nhất là về nguồn cung, thay vì giá cả.
Theo ông, chiến lược kinh doanh giai đoạn 5 - 10 năm tới sẽ khác biệt hoàn toàn. Nếu trước đây các dự án 100ha đã là lớn, thì giờ xuất hiện siêu đô thị từ 4.000 - 10.000ha. Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn mở rộng quy mô chưa từng có.
![]() |
Ông Nguyễn Trung Vũ - Chủ tịch HĐQT Cen Group |
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng sự quyết liệt cải cách của hệ thống chính trị vừa qua đang mở đường cho doanh nghiệp. Việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh giúp thủ tục rút ngắn, tạo thuận lợi rõ rệt.
Tuy vậy, ông Đính lưu ý đến những “vết hằn” như giá đất “trên trời”, nội lực yếu của doanh nghiệp, thị trường vốn chưa bền vững và tình trạng thao túng, bong bóng giá. Ông kiến nghị siết quản lý qua giao dịch trên sàn, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn hình thành, dẫn dắt thị trường.
![]() |
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam |
TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia tài chính, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển đánh giá sáp nhập tỉnh là bước đi chiến lược, tạo động lực cho đô thị hóa và hình thành các trung tâm kinh tế mới như Long Thành - “song hành” cùng TP. HCM. Ông dự báo, nhờ hệ thống hạ tầng đồng bộ, bất động sản sẽ bứt phá, tiệm cận giá trị thực. Các doanh nghiệp lớn với tiềm lực mạnh sẽ định hình thị trường, còn doanh nghiệp nhỏ có thể hợp tác để chia sẻ cơ hội.
Về vốn, TS. Nghĩa cho rằng lãi suất tăng là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp huy động từ dân cư nếu minh bạch, niêm yết trên sàn chứng khoán và xây dựng uy tín. Đồng thời, doanh nghiệp cần theo sát biến động kinh tế vĩ mô và quốc tế để thích ứng linh hoạt.
Diễn đàn đã mang đến nhiều góc nhìn sâu sắc, cho thấy rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi tư duy hoàn toàn khác biệt. Một số tư duy cốt lõi đã được đúc kết:
Thứ nhất, vận hội lịch sử đang mở ra cho thị trường bất động sản. Các cải cách thể chế, chủ trương sáp nhập tỉnh, vận hành chính quyền hai cấp, cùng loạt siêu dự án hạ tầng và cam kết tăng trưởng hai con số đang tạo ra những cơ hội chưa từng có cho lĩnh vực này.
Thứ hai, cần tái định vị vai trò của bất động sản trong nền kinh tế. Không chỉ là lĩnh vực thụ hưởng, bất động sản phải trở thành kênh dẫn vốn dài hạn, thúc đẩy hạ tầng, công nghiệp và đô thị hóa, nhưng phải phát triển có kiểm soát để tránh dư cung và lệch pha.
Thứ ba, đầu tư phải chuyển sang tư duy “vùng động lực” và “siêu kết nối”. Phát triển không gian kinh tế cần dựa trên liên kết vùng và hạ tầng chiến lược như cao tốc, metro, sân bay, cảng biển.
Thứ tư, sản phẩm bất động sản cần hướng đến bền vững, số hóa và thích ứng thị hiếu mới. Người tiêu dùng ngày nay đặt ra yêu cầu cao về không gian sống xanh, chất lượng và tích hợp công nghệ.