UBND TP.HCM đã giao Sở Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề xuất dự án. Dự án này được đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo đúng quy định.
Đồng thời, UBND thành phố đã yêu cầu tổ chức thẩm định hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư và tham mưu với UBND thành phố trước ngày 15/4 để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình triển khai dự án.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup đã gửi công văn tới UBND TP.HCM và Sở Giao thông Vận tải thành phố về việc tham gia nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao, nối liền khu vực nội đô TP.HCM với huyện Cần Giờ.
Tuyến metro này sẽ có dạng đường đôi, khổ 1.435mm mỗi đường, đi trên cao với tổng chiều dài dự kiến khoảng 48,5km. Theo nghiên cứu sơ bộ, tổng mức đầu tư cho dự án ước tính khoảng 102.370 tỷ đồng (khoảng 4,09 tỷ USD).
Vingroup đề xuất bắt đầu công tác chuẩn bị đầu tư ngay trong năm nay, bao gồm việc lập và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền để đưa dự án vào quy hoạch phát triển đường sắt đô thị và phê duyệt chủ trương đầu tư.
Sau đó, dự án sẽ tiếp tục các bước lập và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định đầu tư. Dự án đặt mục tiêu khởi công vào năm 2026, vận hành thử và bàn giao vào năm 2028.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Lao động thủ đô |
Trước đó, Sở Giao thông công chánh TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc giao hướng dẫn nhà đầu tư thủ tục lập đề xuất tuyến đường sắt đô thị TP.HCM – Cần Giờ, theo hình thức đối tác công tư.
Theo Sở Giao thông công chánh TP.HCM, quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, Cần Giờ là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của thành phố. Đồng thời, phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (đường sắt đô thị) có nội dung nghiên cứu phát triển tuyến tiềm năng kết nối với khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Trong định hướng phát triển tại Nghị quyết số 12 của Thành ủy TP.HCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, huyện Cần Giờ được xây dựng và phát triển trở thành TP biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường.
Trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển nhanh, đời sống người dân nâng cao, bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương được tổ chức tinh gọn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tại thông báo kế luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ 16 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải hồi tháng 3, Thủ tướng đã yêu cầu TP.HCM khẩn trương tổ chức nghiên cứu và triển khai ngay các dự án đường sắt đô thị kết nối Cần Giờ với TP.HCM và sân bay Long Thành.
Thủ tướng cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực tham gia vào dự án này, với mục tiêu báo cáo kết quả nghiên cứu vào tháng 4/2025.