Cách đây 5 năm, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT từng đưa ra dự báo đáng chú ý về nhân sự ngành ngân hàng. Ông cảnh báo rằng trong vòng một thập kỷ, hàng chục ngàn nhân viên giao dịch, phần lớn có trình độ đại học có thể sẽ mất việc.

Nguyên nhân, theo ông, đến từ làn sóng công nghệ mạnh mẽ: ngân hàng dần chuyển sang mô hình live banking, trong khi thế hệ Z – nhóm khách hàng tương lai chủ lực lại ưu tiên sử dụng internet banking. Đồng thời, sự phát triển vượt bậc của AI và dữ liệu lớn (big data) cũng đang dần thay thế vai trò của các nhân viên tín dụng trong việc thẩm định và phê duyệt hồ sơ vay.

Làn sóng cắt giảm nhân sự bắt đầu hiện hình

Chưa đầy 10 năm sau dự báo của ông Tiến, thực tế đã phần nào phản ánh đúng xu hướng này. Từ đầu năm 2024, đặc biệt là giai đoạn cuối năm và sang đầu 2025, ngành ngân hàng bắt đầu chứng kiến làn sóng tinh giản nhân sự quy mô lớn.

Dự báo 1 ngành nghề dễ thất nghiệp, đào thải cực mạnh, đăng ký xét tuyển năm nay nên biết để cân nhắc
BIDV, Sacombank, ACB và VIB đã thực hiện cắt giảm hàng nghìn nhân sự. (Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo tài chính năm 2024, nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Sacombank, ACB và VIB đã thực hiện cắt giảm hàng nghìn nhân sự. Trong đó, BIDV ngân hàng có lực lượng nhân sự đông đảo nhất ngành đã giảm tới 1.107 người, đợt tinh giản mạnh nhất kể từ năm 2017. Sacombank cũng cắt giảm 354 nhân sự, đưa tổng số nhân viên xuống còn 17.058 người, giảm hơn 1.000 người so với năm 2019. ACB giảm 377 người, còn 12.847 nhân viên; VIB cắt giảm 476 người, còn lại 11.323 nhân viên trong hệ thống.

Đáng chú ý, trong thời điểm cận Tết Nguyên đán 2025, một ngân hàng tư nhân được cho là đã cắt giảm tới 30% lực lượng lao động, với yêu cầu nhân viên "tự nguyện" viết đơn nghỉ việc trước kỳ nghỉ lễ.

Tái cấu trúc vì chuyển đổi số và AI

Lý giải cho làn sóng cắt giảm nhân sự, lãnh đạo một ngân hàng cho biết: trong điều kiện bình thường, việc thay thế những nhân sự yếu kém bằng người có năng lực tốt hơn là chuyện thường. Tuy nhiên, khi ngành ngân hàng chuyển mình mạnh mẽ theo hướng chuyển đổi số, việc tinh giản bộ máy để nâng cao hiệu suất, tối ưu chi phí và tăng lợi nhuận đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Việc cắt giảm 5–10% nhân sự hiện nay được xem là phổ biến trong bối cảnh này. Dù vậy, các ngân hàng vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân sự chất lượng cao cho những vị trí thực sự cần thiết.

Dự báo 1 ngành nghề dễ thất nghiệp, đào thải cực mạnh, đăng ký xét tuyển năm nay nên biết để cân nhắc
Sự phát triển vượt bậc của AI và dữ liệu lớn (big data) cũng đang dần thay thế vai trò của các nhân viên. (Ảnh minh hoạ)

Một số chuyên gia dự báo, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, quá trình cắt giảm nhân sự tại các ngân hàng nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn. Do đó, người lao động đặc biệt là trong ngành ngân hàng cần chủ động nâng cao kỹ năng chuyên môn, ứng dụng công nghệ và cải thiện trình độ ngoại ngữ để thích nghi với sự thay đổi.