Ngày 16/6, Quốc hội chính thức thông qua Luật Nhà giáo, Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2026. Một trong những chính sách nổi bật của Luật là quy định về chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ với với nhà giáo.

Dẫn lời ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) trao đổi với Báo Lao động, ông cho biết, điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Nhà giáo quy định “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo.

"Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ có những quy định điều chỉnh liên quan đến tiền lương của nhà giáo bảo đảm chủ trương xếp cao nhất” - ông Đức cho hay.

Theo ông, về cách tích tiền lương mới từ ngày 1/1/2026, tiền lương giáo viên vẫn sẽ được tính theo công thức: Tiền lương = Hệ số lương x Lương cơ sở.

Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo trong hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT dự kiến tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo (như giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV…) để bảo đảm tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác; đồng thời, bảo đảm mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Dự kiến xây dựng lại bảng lương giáo viên
Điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Nhà giáo quy định “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” - Ảnh: VGP

Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định hệ số lương đặc thù đối với nhà giáo với mức từ 1,1 đến 1,6 tùy theo cấp học, trình độ đào tạo, bảo đảm lương nhà giáo cao hơn viên chức cùng bảng lương áp dụng của các ngành, lĩnh vực khác; đồng thời giúp giảm cách biệt về tiền lương giữa nhà giáo trẻ và nhà giáo lâu năm ở cùng vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, ngoài quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, Luật Nhà giáo (sửa đổi) còn quy định chính sách hỗ trợ và thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo.

Theo đó, tất cả nhà giáo được hưởng chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chế độ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, biệt phái, dạy tăng cường, dạy liên trường, dạy ở các điểm trường và các chính sách hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng thời, nhà giáo khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể.

Trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật. Những chính sách hỗ trợ này không hẳn là mới nhưng lần đầu có quy định tổng thể để bảo đảm tất cả nhà giáo không phân biệt công lập hay ngoài công lập đều được hưởng các chính sách hỗ trợ bảo đảm các điều kiện để nhà giáo phát triển nghề nghiệp liên tục.