Theo thống kê từ Bản tin thị trường lao động quý I/2025 do Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động (Bộ Nội vụ) công bố, gần 43% người tìm việc nằm trong độ tuổi 30-39, trong khi nhóm 20-29 tuổi chiếm khoảng 37%. Dữ liệu được tổng hợp từ hơn 18.000 hồ sơ tìm việc và 25.000 doanh nghiệp đăng tuyển qua gần 200.000 bản tin tuyển dụng trực tuyến.
Ông Phạm Ngọc Toàn – Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích, dự báo chiến lược và dịch vụ công (Viện KH Tổ chức nhà nước và Lao động) – lý giải: nhóm tuổi 30-39 có xu hướng thay đổi công việc mạnh mẽ vào đầu năm do nhu cầu cải thiện vị trí, lương bổng và môi trường làm việc. “Con số này không đồng nghĩa với thất nghiệp. Phần lớn là do dịch chuyển nghề nghiệp”, ông Toàn khẳng định. Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp trong quý I còn giảm so với quý trước.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về nguy cơ "rơi vào bẫy trung niên" với nhóm U40. Khi công nghệ ngày càng thay thế công việc truyền thống và lao động trẻ gia nhập thị trường nhanh hơn, khả năng thích nghi của người lao động đóng vai trò then chốt. “Một vị trí công việc hiện nay có thể đòi hỏi kỹ năng rất khác so với chỉ hai năm trước”, ông Toàn nhấn mạnh.
![]() |
Nhóm tuổi 30-39 có xu hướng thay đổi công việc mạnh mẽ vào đầu năm do nhu cầu cải thiện vị trí, lương bổng và môi trường làm việc. Ảnh minh họa |
Nhóm ngành được người lao động quan tâm nhiều nhất là quản trị doanh nghiệp, bán hàng, marketing, môi giới... Trong khi đó, nhà tuyển dụng lại ưu tiên lao động kỹ thuật, vận tải, logistics và sản xuất.
Về trình độ, gần 53% vị trí tuyển dụng yêu cầu bằng đại học trở lên, trong khi lao động có bằng đại học chiếm 51%. Đáng chú ý, chỉ 8% việc làm mang tính tạm thời được đăng tuyển, trong khi 32% người tìm việc lại cần việc tạm thời – cho thấy sự mất cân đối giữa nhu cầu và nguồn cung thực tế.
Bên cạnh đó, ông Toàn khuyến nghị người lao động cần chủ động học thêm kỹ năng công nghệ thông tin song hành cùng chuyên môn để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường việc làm vốn biến động nhanh.
Trong quý I, gần 145.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được ghi nhận – giảm gần 30.000 trường hợp so với quý IV/2024. Tuy nhiên, lao động không bằng cấp vẫn chiếm phần lớn, với gần 60% tổng số người nộp đơn. Lao động có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 19%, còn lại là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề.
Xét theo ngành nghề, công nghiệp chế biến – chế tạo tiếp tục dẫn đầu về số lượng lao động nhận trợ cấp (trên 43%), tiếp theo là dịch vụ (30%), nông lâm ngư nghiệp (4%), xây dựng (3%) và bán lẻ (2,5%). Về nghề nghiệp, thợ may – thêu, thợ lắp ráp, kế toán và nhân viên bán hàng là các nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất.