Theo Báo Hải Dương, mỗi sáng, vợ chồng anh Nguyễn Quang Huy ở thôn Bãi Thượng, xã Toàn Thắng lại tất bật thu hoạch mướp. Trên diện tích 1,5 mẫu, vườn mướp của gia đình anh đang vào vụ thu lứa thứ ba, năng suất đều, chất lượng ổn định.

Anh cho biết, có thể thu từ 3 – 5 lứa nữa mới phải trồng lại. Giá bán dao động từ 10.000 – 25.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Sau khi trừ chi phí, anh nhẩm tính mỗi sào cho lãi 5 – 8 triệu đồng.

Anh Huy cho hay, giống mướp hương gia đình trồng được thị trường ưa chuộng vì quả nhỏ, thơm, dễ tiêu thụ. Anh khoe rằng, thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó, có thời điểm giá xuống nhưng chưa bao giờ bị lỗ.

Nông dân Hải Dương ‘lên đời’ nhờ trồng quả nhiều công dụng, được treo kín giàn ngoài ruộng: Thu hoạch đến đâu là thương lái gom sạch
Cây mướp có thể thu hoạch được trong thời gian dài nên nông dân huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) ưa chuộng trồng cây này. Ảnh: Báo Hải Dương

Không riêng gia đình anh Huy, nhiều hộ dân ở Gia Lộc đã chuyển sang trồng mướp, bầu thay vì rau màu như trước đây. Bà Hoàng Thị Đãi (thôn Chuối, xã Lê Lợi) vừa chuyển đổi hơn 1 sào rau sang trồng mướp bởi “cây dễ chăm, thu hoạch nhẹ nhàng, mà lời hơn”.

Tận dụng giàn leo, một số hộ còn xen canh bầu – mướp cùng thửa để tăng thu nhập. Bà Đỗ Thị Sang (xã Phạm Trấn) cho biết: “Lúc mướp chưa cho quả thì bầu đã thu được, luân phiên như vậy không lúc nào thiếu hàng bán”.

Từ vườn nhà ra thị trường

Bầu, mướp vốn là loại rau quen thuộc trong bữa cơm mùa hè của người Việt. Trước đây, người dân thường trồng vài khóm bên bờ ao để lấy quả và làm mát sân vườn. Nhưng từ năm 2019, nông dân Gia Lộc đã biến loại cây này thành hàng hóa quy mô lớn.

Hiện toàn huyện duy trì 220 – 230 ha mỗi năm, chiếm khoảng 20% diện tích rau vụ hè, dẫn đầu toàn tỉnh Hải Dương về diện tích trồng mướp, bầu.

Đầu ra ổn định là yếu tố quan trọng giúp nông dân yên tâm canh tác. Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Sinh – thương lái ở xã Phạm Trấn – thu mua 4 – 5 tấn mướp, bầu từ các ruộng trong huyện, sau đó phân phối đi các chợ đầu mối. Chị Sinh chia sẻ rằng, hàng của Gia Lộc được chuộng vì quả nhỏ, ngọt, thơm – khác biệt hẳn với giống trồng ở nơi khác.

Nông dân Hải Dương ‘lên đời’ nhờ trồng quả nhiều công dụng, được treo kín giàn ngoài ruộng: Thu hoạch đến đâu là thương lái gom sạch
Mướp cứ thu hoạch đến đâu là có thương lái gom mua hết. Ảnh: Báo Hải Dương

Theo bà Tăng Thị Hạnh – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Gia Lộc, cây bầu, mướp, bí đang mang lại thu nhập khá cho nông dân. Những hộ có kinh nghiệm có thể kéo dài thời gian thu hoạch đến 9 tháng/năm, thu lãi tới 20 triệu đồng mỗi sào. Trong suốt giai đoạn này, nông dân chỉ cần chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, không phải đầu tư lại giống hay công trồng mới.

Từ hiệu quả kinh tế thực tế, huyện Gia Lộc đang khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng mướp, bầu, đồng thời xây dựng thương hiệu nông sản sạch, tiến tới đưa sản phẩm vào chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm).

Nông dân Hải Dương ‘lên đời’ nhờ trồng quả nhiều công dụng, được treo kín giàn ngoài ruộng: Thu hoạch đến đâu là thương lái gom sạch

Mướp không chỉ là một loại thực phẩm có nhiều công dụng như: giúp thanh mát, dễ ăn trong mùa hè mà còn có công dụng làm đẹp da, hỗ trợ tiêu hóa và thanh nhiệt cơ thể hiệu quả. Ảnh: Tổng hợp

Việc phát triển cây trồng truyền thống theo hướng hàng hóa không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn tạo dựng vị thế mới cho nông sản Gia Lộc trên thị trường trong và ngoài tỉnh.