Trung Quốc đang khẳng định vị thế là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực trồng và đổi mới dâu tây, nhờ quy mô canh tác vượt trội, đầu tư công chiến lược và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong nông nghiệp.

Theo số liệu công bố tại Hội nghị Dâu tây Quốc tế lần thứ 10 (tháng 3/2025), Trung Quốc hiện có gần 200.000ha trồng dâu tây – lớn nhất thế giới, bỏ xa các quốc gia như Nga (39.690ha) hay Ba Lan (30.000ha). Năm 2023, sản lượng dâu tây nước này đạt khoảng 4,22 triệu tấn, chiếm gần 60% sản lượng toàn cầu, vượt xa Mỹ (1,25 triệu tấn) và Ai Cập (731.000 tấn). Diện tích và sản lượng này phản ánh chiến lược quy hoạch bài bản cùng đầu tư mạnh mẽ của nhà nước, hình thành một hệ sinh thái chuyên biệt dành riêng cho dâu tây.

Trung Quốc tìm ra bí quyết đẩy bật năng suất một loại quả, chiếm tới 60% sản lượng toàn cầu
Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản lượng dâu tây. Ảnh minh họa

Công nghệ là yếu tố then chốt giúp Trung Quốc vượt trội trong lĩnh vực này. Các nông trại dâu tây tại nước này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến nhiệt độ, camera quang phổ và máy bay không người lái (drone) để theo dõi cây trồng, tối ưu hóa giống lai bằng thuật toán và điều trị dịch bệnh chính xác. Việc ứng dụng công nghệ giúp nâng cao năng suất, chất lượng trái và giảm thiểu sử dụng hóa chất, thể hiện vai trò tiên phong của Trung Quốc trong nông nghiệp thông minh.

Không chỉ tập trung sản xuất nội địa, Trung Quốc còn mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu thông qua xuất khẩu. Năm 2023, nước này xuất khẩu hơn 9.659 tấn dâu tây tươi, trị giá gần 20 triệu USD, trong đó Việt Nam là thị trường lớn nhất với hơn 7.000 tấn. Ngoài ra, Trung Quốc còn xuất khẩu 44.480 tấn dâu tây đông lạnh, trị giá gần 72 triệu USD, chủ yếu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Việc Trung Quốc dần thay thế vai trò dẫn dắt của Hà Lan và Mỹ tại các diễn đàn chuyên ngành như Hội nghị Dâu tây Quốc tế cho thấy tâm điểm đổi mới toàn cầu đang chuyển dịch về phương Đông. Không chỉ là thành tựu kỹ thuật, sự trỗi dậy của ngành dâu tây Trung Quốc còn phản ánh chiến lược lớn hơn về an ninh lương thực và chủ quyền thực phẩm – những ưu tiên hàng đầu trong chính sách nông nghiệp của nước này.

Trong bối cảnh các quốc gia đang tìm cách tăng cường năng lực sản xuất thực phẩm trong nước, mô hình dâu tây công nghệ cao của Trung Quốc trở thành ví dụ điển hình cho hướng tiếp cận hiện đại, quy mô và bền vững trong nông nghiệp.