Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng 22/5, khi nhà đầu tư chuyển hướng sang tài sản an toàn trong bối cảnh áp lực nợ công tại Mỹ gia tăng và thị trường trái phiếu chính phủ dài hạn ghi nhận lực cầu yếu.
Tính đến 11h46 sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 3.336,43 USD/ounce – mức cao nhất kể từ ngày 9/5. Hợp đồng vàng tương lai giao dịch tại Mỹ cũng ghi nhận mức tăng tương đương, lên 3.337,60 USD/ounce.
Đồng USD hiện giao dịch quanh vùng thấp nhất hai tuần, khiến vàng – vốn được định giá bằng USD – trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Đà tăng của vàng diễn ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ không thu hút được lực cầu như kỳ vọng trong phiên đấu thầu 16 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 20 năm ngày 21/5 (giờ Washington), làm dấy lên lo ngại về mức độ hấp dẫn của các tài sản tài chính Mỹ. Thị trường trái phiếu chững lại trong khi các chỉ số chứng khoán lớn trên Phố Wall biến động nhẹ.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang theo sát diễn biến dự luật cắt giảm thuế và tăng chi tiêu do Tổng thống Donald Trump đề xuất – hiện đã được Ủy ban Quy tắc Hạ viện Mỹ thông qua và chuẩn bị được trình lên toàn thể Hạ viện trong vài giờ tới.
“Vàng đang hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng USD và các yếu tố rủi ro kinh tế như nguy cơ đình lạm kéo dài tại Mỹ”, ông Kelvin Wong – Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại OANDA khu vực châu Á – Thái Bình Dương – nhận định.
![]() |
Tính đến 11h46 sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 3.336,43 USD/ounce – mức cao nhất kể từ ngày 9/5. |
Sau khi tạm thời mất mốc 3.200 USD vào đầu tháng 5, vàng nhanh chóng hồi phục và đang thiết lập lại xu hướng tăng trung hạn. Một số chuyên gia cho rằng thị trường vàng có thể tiếp tục hút dòng tiền nếu các yếu tố bất ổn vĩ mô chưa được cải thiện.
“Vàng có vẻ đã quay trở lại đà tăng dài hạn sau khi thất bại trong việc duy trì vùng giảm dưới 3.200 USD. Mức giá mục tiêu cho giai đoạn tới có thể nằm trong khoảng 3.450–3.500 USD”, ông Ilya Spivak – Giám đốc chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Tastylive – đánh giá.
Bên cạnh yếu tố tài chính, căng thẳng địa chính trị cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy lực cầu đối với các tài sản trú ẩn. Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Oman, vòng đàm phán hạt nhân thứ năm giữa Mỹ và Iran dự kiến diễn ra vào ngày mai (23/5) tại Rome. Đây là sự kiện thu hút sự chú ý của thị trường trong bối cảnh các cuộc đối thoại trước đó chưa đạt được kết quả cụ thể.
Ngoài ra, kỳ vọng về việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp tại các nền kinh tế lớn cũng tiếp tục tạo lực đỡ cho giá vàng – tài sản vốn không sinh lãi – trong môi trường chi phí cơ hội thấp.
Trong khi vàng tăng mạnh, giá bạc giao ngay cũng tăng gần 1% lên 33,66 USD/ounce. Ở chiều ngược lại, giá bạch kim giảm 0,4% còn 1.072,43 USD/ounce, trong khi palađi giảm sâu 1,4%, về mức 1.023,50 USD/ounce.
Theo Reuters