Sáng 18/4, Công ty SJC tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh giá vàng miếng, niêm yết ở mức 117-120 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với cuối ngày hôm qua, giá mua tăng thêm 1,5 triệu đồng/lượng, còn giá bán tăng tới 2 triệu đồng/lượng.
Các doanh nghiệp lớn khác cũng đồng loạt nâng giá lên mức này, tuy nhiên nguồn cung vàng miếng trên thị trường hiện rất khan hiếm. Chênh lệch giữa giá mua và bán được duy trì ở mức cao, khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Ở phân khúc vàng nhẫn, Công ty SJC và PNJ giữ nguyên giá mua vào – bán ra ở mức 114–117 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng mạnh hơn 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua và bán so với hôm qua, niêm yết ở mức 116,5–119,5 triệu đồng/lượng.
DOJI đang niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 114,5 –118 triệu đồng/lượng, cao hơn 500.000 đồng/lượng (mua) và 1 triệu đồng/lượng (bán) so với hôm qua.
![]() |
Giá vàng miếng tăng dựng đứng |
Trên thị trường quốc tế, giá kim loại quý trong sáng nay đã quay trở lại đà tăng. Theo đó, giá vàng thế giới hiện được giao dịch quanh ngưỡng 3.326 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với rạng sáng nay (giờ Việt Nam).
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa bao gồm thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương khoảng 104 triệu đồng/lượng. So sánh với giá vàng miếng trong nước, mức chênh lệch hiện đã nới rộng lên 16 triệu đồng/lượng – mức cao nhất kể từ đầu năm. Còn so với giá vàng nhẫn, mức chênh lệch khoảng 13-15,5 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, đây cũng là mức chênh lệch tương đương với giai đoạn trước khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu can thiệp điều hành thị trường vàng thông qua hình thức bán vàng miếng cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty SJC gần một năm trước.
![]() |
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được nới rộng |
Dự báo về giá vàng thời gian tới, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho biết, trong ngắn hạn (1-3 tháng), giá vàng sẽ tiếp tục biến động mạnh, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố quốc tế.
Nếu các đàm phán thương mại giữa Mỹ và các quốc gia lớn tiến triển tích cực, và Nga – Ukraine có tín hiệu hạ nhiệt, thì giá vàng có thể điều chỉnh giảm đáng kể, trở lại vùng ổn định hơn.
Ngược lại, nếu xung đột vũ trang kéo dài, chủ nghĩa bảo hộ lan rộng, đàm phán thương mại thất bại, thì giá vàng hoàn toàn có thể tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới.
Bên cạnh đó, yếu tố kỹ thuật cũng cảnh báo khả năng điều chỉnh ngắn hạn, do giá hiện ở vùng “quá mua” trên nhiều khung thời gian. Các phiên điều chỉnh mạnh có thể xảy ra để “giải nhiệt” thị trường trước khi thiết lập xu hướng mới.