Ngày 18/04, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024”.
Tọa đàm nhằm tiếp thu ý kiến từ các tổ chức tín dụng, góp phần hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào tháng 5/2025.
Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh sự cần thiết của việc luật hóa xử lý nợ xấu. Theo ông, nợ xấu là điều tất yếu trong hoạt động tín dụng, xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan như thiên tai, dịch bệnh, biến động địa chính trị hay các rủi ro kinh tế khác.
Ông Lực cho biết, nợ xấu nếu không xử lý được, tài sản đảm bảo gắn liền với nợ xấu không xử lý được sẽ bị “đóng băng”, gây ách tắc, thất lớn đối với nền kinh tế. Ngoài ra, nợ xấu không xử lý sẽ gây "ách tắc" dòng tín dụng mới”.
![]() |
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia |
Ông Lực cho rằng: “Không có luật riêng để xử lý nợ xấu là khoảng trống pháp lý nghiêm trọng, gây thiệt hại không chỉ cho ngân hàng mà cho cả nền kinh tế. Chúng ta đang trong thời điểm thực hiện hai cuộc cách mạng lớn: một là cải cách thể chế, hai là tái cấu trúc bộ máy hành chính. Đây là thời điểm vàng, nếu không luật hóa được lần này thì có thể là "now or never".
“Bảo vệ bên vay không có nghĩa là làm tê liệt quyền của bên cho vay. Xử lý nợ xấu không chỉ để bảo vệ ngân hàng, mà để khơi thông nguồn vốn, giúp doanh nghiệp hồi phục, và tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển bền vững. Vì vậy, việc luật hóa Nghị quyết 42 là nhiệm vụ trọng yếu, cấp thiết và hoàn toàn đúng đắn cả về lý luận, thực tiễn và thông lệ quốc tế. Chúng ta cần đoàn kết, đồng thuận, để lần này không bỏ lỡ cơ hội và không có lỗi với nền kinh tế, với doanh nghiệp, với người dân”, ông Lực nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh các vấn đề về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng hay cơ chế xử lý tài sản là tang chứng, vật chứng vụ án, ông Lực cũng kiến nghị một số nội dung bổ sung như: xử lý tài sản là quyền khai thác khoáng sản; tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Luật Phá sản; áp dụng thủ tục rút gọn trong tranh chấp tài sản bảo đảm tại tòa án; quy định rõ đối tượng được mua – bán nợ và đảm bảo sự nhất quán với các luật liên quan như Luật Kinh doanh Bất động sản 2023.
Tại tọa đàm, đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đồng thuận với quan điểm cần sớm luật hóa Nghị quyết 42. Theo các đại diện này, các ngân hàng hiện rất thận trọng và minh bạch trong đấu giá tài sản bảo đảm, cũng như luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng có thiện chí trả nợ. Việc ban hành một đạo luật riêng sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, góp phần xử lý dứt điểm nợ xấu trong bối cảnh hiện nay.