Ngày 18/4, tại Tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian qua, các TCTD đã chủ động triển khai nhiều biện pháp kiểm soát nợ xấu, từ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn tiếp tục gia tăng do nhiều yếu tố khách quan và rào cản pháp lý tồn tại.
Trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu của hệ thống tăng thêm khoảng 34.000 tỷ đồng, trong khi lượng nợ được xử lý chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào trích lập dự phòng rủi ro. Hiện nay, khoảng 48% nguồn lực dự phòng đã được các ngân hàng sử dụng để xử lý nợ xấu – tỷ lệ được đánh giá là đáng lo ngại vì ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh, khả năng hỗ trợ doanh nghiệp và dòng tiền của toàn nền kinh tế.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 12/2024, tổng tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức 5,36% tổng dư nợ. Nếu loại trừ 5 ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, tỷ lệ này là khoảng 1,93%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Việc xử lý nợ xấu hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào tài sản bảo đảm (TSBĐ), nhưng hiệu quả chưa cao. Trong năm 2024, chỉ 46,6% nợ xấu được thu hồi qua xử lý TSBĐ, trong khi chỉ 36% là do khách hàng tự trả nợ. Nợ bán cho VAMC và các khoản phải xử lý thông qua thi hành án đạt hiệu quả thấp, chỉ thu hồi được khoảng 7.000 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu khó xử lý là do Nghị quyết 42/2017/QH14 – vốn cho phép các TCTD thu giữ tài sản bảo đảm – đã hết hiệu lực, trong khi Luật Các TCTD sửa đổi 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2024) lại chưa bổ sung đầy đủ các quy định thay thế, đặc biệt là quyền thu giữ TSBĐ.
Ông Hùng nhấn mạnh rằng nếu không sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong xử lý nợ xấu, ảnh hưởng đến dòng tiền và thanh khoản toàn nền kinh tế. Do đó, việc sửa đổi Luật Các TCTD không chỉ nhằm hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ hiệu quả, mà còn góp phần điều chỉnh nhận thức của người đi vay – hướng đến ý thức trả nợ và tôn trọng các cam kết tài chính.
Ở góc độ thực tiễn, bà Nguyễn Thu Lan – Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank cho rằng, hệ thống ngân hàng đang chịu áp lực rất lớn trong việc bảo toàn nguồn vốn từ người gửi tiền. Mọi bước xử lý nợ, nhất là liên quan đến đấu giá tài sản hay thu hồi, đều phải được thực hiện cẩn trọng và đúng quy định, tránh rủi ro pháp lý.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng chỉ ra điểm thiếu sót của Luật Các TCTD sửa đổi khi không luật hóa một số quy định quan trọng trong Nghị quyết 42, đặc biệt là quyền thu giữ TSBĐ. Theo ông, cần nhanh chóng lấp đầy khoảng trống pháp lý, tháo gỡ các vướng mắc và tạo sự đồng bộ trong hệ thống luật để khơi thông dòng vốn và nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu.
Để làm được điều đó, Hiệp hội Ngân hàng đã kiến nghị đưa vào dự thảo Luật 3 nội dung cốt lõi: (1) luật hóa quyền thu giữ TSBĐ; (2) luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên thi hành án; và (3) hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng, tang vật trong vụ án hình sự hoặc hành chính. Các đề xuất này sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9, khóa XV.