Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, như một phần trong đợt áp thuế toàn cầu mới, có hiệu lực từ ngày 9/4.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán tháo trong phiên 3/4. Kết phiên sáng, VN-Index giảm 82,28 điểm (-6,24%) về 1.235,55 điểm. Thanh khoản đạt 1,45 tỷ cổ phiếu, gấp 4 lần cùng thời điểm phiên liền trước. Sắc đỏ bao phủ, sàn HoSE có 480 mã giàm điểm, trong đó 73 mã giảm sàn.

Góc nhìn chuyên gia: Chứng khoán đỏ lửa sau tin nóng, NĐT cần hành động như thế nào?
Chứng khoán giảm mạnh sau tin áp thuế

Trước diễn biến bất ngờ của thị trường, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược KBSV cho rằng, mức thuế 46% là con số gây bất ngờ. Bởi theo phân tích của KBSV, chênh lệch thuế giữa hàng hóa Việt Nam và Mỹ vào khoảng 6%, cộng thêm VAT thì tổng mức chịu thuế có thể vào khoảng 10%. Tuy nhiên, ông Trump có thể đã tính đến các rào cản thương mại khác, cũng như việc Việt Nam nằm trong danh sách thao túng tiền tệ, dẫn đến việc ông đưa ra mức tổng cộng 90% và quyết định áp thuế 46%.

Diễn biến này đã tạo nên cú sốc ở cả cấp độ vĩ mô lẫn thị trường chứng khoán. Ông Đức Anh chỉ ra 3 lo ngại lớn:

Thứ nhất, năm nay Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 8%. Trong khi đó, Mỹ chiếm đến 30% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, nên cú sốc thuế sẽ tác động không nhỏ đến động lực tăng trưởng. Hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với các quốc gia khác. Dĩ nhiên, vẫn có khả năng tìm đầu ra ở nước thứ 3, nhưng quá trình này cần thời gian điều chỉnh. Do đó, xuất khẩu năm 2025 nhiều khả năng sẽ giảm so với 2024.

Thứ hai, thu hút vốn FDI - một động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm qua – có thể suy giảm. Trước đây, lợi thế của Việt Nam nhờ chiến lược "Trung Quốc +1" giúp thu hút các doanh nghiệp chuyển dịch sản xuất để tránh rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, nếu Việt Nam trở thành đối tượng áp thuế mới, lợi thế này có thể không còn.

Thứ ba, áp lực lên tỷ giá gia tăng khi nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu và FDI sụt giảm. Trong khi đó, dòng vốn ngoại dự kiến sẽ tiếp tục chảy ra do nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán và rút vốn FDI. Trong bối cảnh đó, mặt bằng lãi suất thấp hiện nay sẽ rất khó duy trì trong suốt cả năm 2025.

Dù vậy, Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa với việc đẩy mạnh đầu tư công. Đồng thời, có thể kỳ vọng chính sách thuế của ông Trump sẽ có điều chỉnh dưới nỗ lực ngoại giao từ phía Chính phủ.

Về tác động theo nhóm ngành, những doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ hoặc liên quan đến hoạt động thương mại như cảng biển, vận tải biển sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong ngắn hạn.

Ông Trần Đức Anh khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh và tỉnh táo rà soát lại danh mục. Việc bán tháo toàn bộ là không cần thiết. Nhà đầu tư vẫn có thể giữ lại các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng tăng trưởng dài hạn được đảm bảo. Trước đây, giới phân tích đa phần giữ quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán, tuy nhiên không lường trước khả năng bị áp thuế trực tiếp. Do đó, với thông tin mới nhất, vùng điểm số cần được tính toán lại.

Góc nhìn chuyên gia: Chứng khoán đỏ lửa sau tin nóng, NĐT cần hành động như thế nào?
Chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần giữ bình tĩnh, đánh giá lại danh mục, không vội vàng bán tháo

Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research cho rằng nhà đầu tư cần theo dõi sát các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ trong một tuần tới, thay vì quá lo ngại về con số áp thuế hiện tại.

P/E của thị trường hiện tại chỉ bằng khoảng 50% so với giai đoạn chiến tranh thương mại năm 2018, do đó áp lực bán ra được dự báo sẽ không quá lớn. Với các nhà đầu tư dài hạn, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại các vị thế, thậm chí theo hướng tích cực hơn.

Ông Hưng nhận định, mức thuế hiện tại sẽ khó duy trì trong thời gian dài. Lý do là GDP quý I/2025 của Mỹ đang có nguy cơ tăng trưởng âm rất rõ ràng, trong khi lạm phát ở mức cao, làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.

Trong kịch bản tiêu cực khi mức thuế được giữ lâu dài, Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh đầu tư công và nâng cao năng lực nội tại. Nhà đầu tư nên xây dựng danh mục đầu tư đa dạng để hạn chế rủi ro, ưu tiên các nhóm ngành phục vụ thị trường trong nước.