Ngày 28/2, trong khuôn khổ Lễ công bố quyết định Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bản ghi nhớ đầu tư cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có nhiều tên tuổi trong ngành hạ tầng, bất động sản, da giày, thép...

Trong khi đó, Tổng công ty Cơ điện Xây dựng, CTCP dự kiến chi 31.530 tỷ đồng thực hiện nghiên cứu khảo sát, lập thủ tục để đăng ký đầu tư nhà máy thủy điện trên các hồ thủy lợi trên địa bàn Bình Thuận.

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC Corp) thực hiện dự án Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Hàm Tân - La Gi, diện tích sử dụng đất 5.000ha với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng.

Dịp này, chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho CTCP Đầu tư và Phát triển Đông Sài Gòn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 giai đoạn 1 (Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân) với tổng vốn đầu tư là 1.717 tỷ đồng.

z5199631100867_22787888206cc1423f4b1ef3e529563c

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo Bình Thuận. Ảnh: Báo Bình Thuận

Còn CTCP Đầu tư bất động sản Kiến Phát sẽ thực hiện dự án Khu đô thị Du lịch Nghệ thuật Văn hóa và Thể thao diện tích sử dụng đất 45ha và tổng vốn đầu tư 1.850 tỷ đồng.

Công ty CP ARCS thực hiện dự án nhà máy sản xuất giày dép ARCS tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm II - Bita’s (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam), diện tích sử dụng đất gần 9ha, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng.

CTCP Khải Doanh thực hiện dự án nhà máy sản xuất nhựa Khải Doanh tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm II - Bita’s (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam), diện tích sử dụng đất 8,9ha và tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng.

CTCP Sản xuất Công nghiệp Tấn Phát sẽ thực hiện dự án tổ hợp chế biến sâu Titan - Zircon và các kim loại quý hiếm khác, diện tích sử dụng đất 200ha và tổng vốn đầu tư 4.990 tỷ đồng.

CTCP Kết cấu thép ATAD sẽ thực hiện dự án tổ hợp nhà máy sản xuất kết cấu thép công nghệ cao tại tỉnh Bình Thuận, diện tích sử dụng đất 100ha và tổng vốn đầu tư 4.855 tỷ đồng.

Liên doanh giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận với Công ty TNHH Hào Hưng sẽ thực hiện dự án nhà máy sản xuất chế biến gỗ chuyên sâu các nội thất, ngoại thất xuất khẩu, diện tích sử dụng đất 20ha và tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Công ty TNHH Hào Hưng sẽ thực hiện dự án Nhà máy sản xuất bột giấy, giấy và bìa, diện tích sử dụng đất 40ha và tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng, để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới Bình Thuận sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Mặt khác huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh: Công nghiệp - Du lịch, Dịch vụ - Nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại…

Đại diện lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định Bình Thuận luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện thành công dự án, phát triển thịnh vượng.