Không ít vụ tai nạn giao thông thời gian qua ghi nhận cảnh tài xế sau khi va chạm đã lập tức tăng ga bỏ chạy, để mặc nạn nhân nằm lại phía sau. Hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng pháp luật mà còn thể hiện sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của người điều khiển phương tiện.
Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, hành vi "bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm" hoặc "có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị nạn" đều bị xếp vào nhóm vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là trong các vụ va chạm có thiệt hại về sức khỏe, tài sản hoặc tính mạng.
![]() |
Hành vi bỏ trốn khi gây tai nạn giao thông theo quy định mới sẽ bị phạt lên tới 18 triệu đồng và bị trừ 6 điểm GPLX. Ảnh minh hoạ |
Nhiều tài xế bỏ trốn vì hoảng loạn, sợ bị người dân phản ứng hoặc lo ngại trách nhiệm pháp lý. Một số khác cố tình rời khỏi hiện trường để tránh bị xử phạt, đặc biệt khi họ đang vi phạm các lỗi nghiêm trọng như sử dụng rượu bia, không có bằng lái hoặc giấy tờ xe.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người điều khiển ô tô gây tai nạn mà không dừng phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không hỗ trợ nạn nhân hoặc không trình báo với cơ quan chức năng sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng.
Với trường hợp liên quan đến tai nạn nhưng không hỗ trợ nạn nhân, mức phạt là 2 - 3 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung: trừ 6 điểm giấy phép lái xe đối với người gây tai nạn rồi bỏ trốn, và trừ 2 điểm với trường hợp có liên quan nhưng không dừng lại giúp đỡ.
![]() |
Gây tai nạn rồi bỏ trốn là hành vi vi phạm pháp luật, phản ánh sự thiếu nhân văn. Ảnh minh hoạ |
Quy định mới không chỉ siết chặt chế tài mà còn đề cao trách nhiệm đạo đức của người tham gia giao thông. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần một hành động kịp thời như gọi cấp cứu, hỗ trợ tại hiện trường có thể cứu sống người bị nạn và hỗ trợ điều tra nguyên nhân.
Giao thông là vấn đề của toàn xã hội. Ứng xử sau tai nạn không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn là thước đo văn hóa, đạo đức của mỗi người cầm lái. Việc bỏ mặc người khác trong tình huống nguy cấp là hành vi không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh.