Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên của Công ty Cổ phần Vinpearl (mã VPL). Hơn 1,79 tỷ cổ phiếu VPL sẽ chính thức lên sàn HoSE vào ngày 13/5 tới, với giá tham chiếu 71.300 đồng/cổ phiếu, tương đương định giá gần 130.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD). Biên độ dao động trong phiên giao dịch đầu tiên là ±20%.

Đây được xem là một trong những thương vụ niêm yết đáng chú ý nhất năm, mở ra cơ hội huy động vốn lớn và nâng cao vị thế của Vinpearl trên thị trường vốn.

Hé lộ thu nhập nhân viên Vinpearl trước thềm niêm yết 1,79 tỷ cổ phiếu
Ảnh minh họa

Với đặc thù hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, hội nghị, nhà hàng và ẩm thực, nhân sự là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng và thương hiệu của doanh nghiệp, bên cạnh cơ sở vật chất.

Đến cuối năm 2024, Vinpearl có 14.770 nhân sự, bằng 22% tổng lao động của Vingroup. Trong đó, lao động phổ thông chiếm 49,2%, trình độ đại học – cao đẳng chiếm 41,2%, trung cấp 9% và trên đại học 0,6%. Nhân sự nam giới chiếm 55,3%, cao hơn không đáng kể so với nữ giới. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống chỉ có 61 lao động thời vụ, hơn 99% còn lại là lao động thường xuyên.

Theo báo cáo công khai, năm 2023, thu nhập bình quân của nhân viên Vinpearl đạt 19,6 triệu đồng/tháng. Sang năm 2024, con số này tăng nhẹ lên 19,9 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 86% mức thu nhập bình quân của người lao động tại tập đoàn mẹ Vingroup (23,2 triệu đồng/tháng).

Đây là mức thu nhập khá cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê và các báo cáo thị trường nhân sự, thu nhập bình quân ngành khách sạn – nhà hàng dao động 8–12 triệu đồng/tháng, trong khi các vị trí quản lý tầm trung tại các mô hình nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp thường đạt 20–40 triệu đồng/tháng.

Ngoài lương thưởng và các khoản bảo hiểm, Vinpearl còn có các phúc lợi mềm như hiếu hỉ, thăm hỏi, khám sức khỏe định kỳ, bảo hiểm sức khỏe và chương trình phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Việc phát hành ESOP nhằm ghi nhận đóng góp của cán bộ nhân viên, tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ, giữ chân nhân sự chủ chốt và nâng cao sự gắn kết.

Bên cạnh đó, Vinpearl cũng đầu tư mạnh cho đào tạo nhân sự qua hướng dẫn trực tiếp, huấn luyện nội bộ, đào tạo chéo, học hỏi qua dự án và tham quan nước ngoài.

Hiện Vinpearl sở hữu chuỗi 31 khách sạn, khu nghỉ dưỡng với 16.100 phòng trên toàn quốc, trải dài khắp Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Để nâng cao chuẩn dịch vụ, đến cuối 2024, Vinpearl hợp tác với Melia Hotels International và Marriott International quản lý 23 khách sạn trong chuỗi.

Ngoài lưu trú, Vinpearl còn có 12 công viên, tổ hợp vui chơi (gồm 4 công viên chủ đề, 5 khu vui chơi giải trí, 1 công viên bảo tồn động vật bán hoang dã, 1 công viên nước, 1 học viện cưỡi ngựa), 4 sân golf và 1 trung tâm hội nghị ẩm thực.

Giới phân tích nhận định, việc niêm yết VPL không chỉ mang lại nguồn lực tài chính lớn, mà còn giúp Vinpearl gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng quy mô và củng cố vị thế dẫn đầu thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam.