Bộ Tài chính đề xuất lùi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sang năm 2027

Tại hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt tổ chức ngày 22/4/2025, ông Lưu Đức Huy, Phó Cục trưởng Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này đã đề xuất Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội – cơ quan thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự luật – giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng, trong đó có bia, rượu.

Cụ thể, cơ quan quản lý đề xuất giãn lộ trình thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng này sang 2027, thay vì 2026 như dự kiến ban đầu.

Heineken, Sabeco lên tiếng ‘cầu cứu’, Bộ Tài chính đề xuất lùi tăng thuế TTĐB bia, rượu sang năm 2027

Ông Lưu Đức Huy, Phó cục trưởng Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Báo Nhân dân)

Cùng với đó, Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương án tăng thuế "đỡ sốc" cho doanh nghiệp. Theo phương án này, rượu từ 20 độ trở lên dự kiến tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% trong 5 năm. Mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 60%, bia cũng tăng từ 65% hiện nay lên 90% trong cùng giai đoạn.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết đề xuất này đưa ra trong bối cảnh Mỹ công bố chính sách mới về thuế quan và được hoãn trong 90 ngày, nhưng dự kiến tác động mạnh tới kinh doanh và tâm lý các doanh nghiệp.

Theo một báo cáo công bố năm nay của hãng nghiên cứu thị trường EMR Claight, quy mô thị trường đồ uống Việt Nam năm 2024 đạt 15,5 tỷ USD. Năm ngoái, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam khoảng 4,4 tỷ lít (xấp xỉ năm 2023). Mức tiêu thụ nước giải khát 4,7 tỷ lít, tăng 4,8% so với năm 2023, theo số liệu của Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA).

Ngành này đóng góp ngân sách Nhà nước khoảng 60.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt trên 40.000 tỷ đồng. Ba năm gần đây, lợi nhuận bình quân toàn ngành giảm, từ 12% trong năm 2021 xuống còn 10% vào năm 2023. Thu ngân sách giảm bình quân 10% mỗi năm.

Heineken, Sabeco và loạt doanh nghiệp rượu, bia “cầu cứu”

Trước đó, ngày 18/3, tại Hội thảo tham vấn hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã bày tỏ lo ngại.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Giang, đại diện Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, năm 2022, ngành bia đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, đến giữa năm 2023, sức mua của người tiêu dùng lại suy giảm và các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo các báo cáo, năm 2024 sản lượng bia có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng sức mua vẫn còn chậm và còn thấp hơn rất nhiều so với năm 2019.

Ông Nguyễn Hoàng Giang đề nghị Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội cân nhắc điều chỉnh mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế theo đề nghị của VBA, cụ thể là theo phương án 1 của Chính phủ đã trình Quốc hội nhưng giãn hiệu lực thực hiện đến năm 2028 thay vì năm 2026 như dự thảo.

Heineken, Sabeco lên tiếng ‘cầu cứu’, Bộ Tài chính đề xuất lùi tăng thuế TTĐB bia, rượu sang năm 2027
Ông Nguyễn Hoàng Giang, đại diện Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)

Bên cạnh đó, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao, đại diện cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam cho rằng, cần có chính sách phù hợp để tránh bẫy “kép”, xuất khẩu thì khó khăn mà thị trường trong nước thì không đạt được tốc độ tăng trưởng mong đợi trong bối cảnh quốc tế đầy biến động và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.

Bà Ánh kiến nghị Ban soạn thảo cần thực hiện đánh giá tác động một cách toàn diện, lượng hóa, có sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu độc lập để đảm bảo cơ sở khoa học cho chính sách thuế; tổ chức tham vấn đầy đủ các đối tượng chịu sự tác động; xem xét yếu tố phát triển kinh tế để tránh gây xáo trộn cho ngành sản xuất bia và các ngành liên quan.

Bên cạnh đó, cần cân nhắc lộ trình tăng thuế hợp lý để giảm thiểu tác động tiêu cực đến mục tiêu của Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng, qua đó duy trì động lực tăng trưởng kinh tế và sự ổn định của ngành bia.

Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, những luật chuyên ngành như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Thuế TTĐB; Luật Quảng cáo; Luật Thương mại... và đặc biệt là Nghị định 100/168 đã và đang ảnh hưởng rất mạnh đến tiêu dùng rượu, bia trong nước.

Heineken, Sabeco lên tiếng ‘cầu cứu’, Bộ Tài chính đề xuất lùi tăng thuế TTĐB bia, rượu sang năm 2027
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu - Nước giải khát Việt Nam

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn với vấn nạn rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được quản lý chiếm đến gần 63% lượng rượu tiêu thụ, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chính thống và sức khỏe của người tiêu dùng.

Ông Việt cho rằng, việc ban hành chính sách thuế cần cẩn trọng, hỗ trợ doanh nghiệp, không cản trở động lực tăng trưởng kinh tế. Bởi ngành đồ uống có vai trò đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy dịch vụ, du lịch; giải quyết hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp trong chuỗi cung ứng; đóng góp ngân sách trên 60.000 tỷ đồng/năm (thuế TTĐB trên 40.000 tỷ đồng).

Theo đề xuất của ông Việt, ngành bia, rượu cần lùi hiệu lực áp thuế TTĐB mới tới năm 2028 và tăng thuế theo phương án 1. Với ngành nước giải khát, chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.