Theo dữ liệu FiinTrade, tại thời điểm cuối quý I/2025, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của 70/85 công ty chứng khoán - nhóm chiếm 99,7% tổng quy mô vốn chủ sở hữu toàn ngành đạt gần 275.000 tỷ đồng, tăng 13% (tương đương 31.600 tỷ đồng) so với quý IV/2024.

74.500 tỷ đồng được nhà đầu tư gửi tại các CTCK ngay trước cú sập do thuế Mỹ
Nguồn: FiinTrade

Đây là quý tăng trưởng thứ 9 liên tiếp của hoạt động cho vay margin tính từ quý I/2023. Tuy nhiên, chỉ có 4 công ty chứng khoán duy trì được chuỗi tăng trưởng liên tục trong giai đoạn này, đáng chú ý có TCBS và ACBS.

Một số công ty ghi nhận mức tăng mạnh về dư nợ margin trong quý I/2025 gồm SSI, TCBS, VPS, KIS Việt Nam, VCBS, Chứng khoán VPBank, cùng một số đơn vị quy mô nhỏ như PSI và APG.

Tính trên toàn thị trường, tổng dư nợ margin hiện tương đương 97,6% vốn chủ sở hữu toàn ngành, vẫn còn thấp hơn mức trần 200% theo quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã chạm ngưỡng rất cao tại một số công ty lớn như MASC (183%), HCM (195%), VPS (158%) và MBS (164%).

74.500 tỷ đồng được nhà đầu tư gửi tại các CTCK ngay trước cú sập do thuế Mỹ
Một số công ty chứng khoán có dấu hiệu căng margin vào cuối quý I/2025

Dư nợ margin tăng mạnh, trong khi giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE và HNX tăng 20,4%, đạt gần 15.200 tỷ đồng, dù VN-Index chỉ tăng nhẹ 3,2%. Thanh khoản chủ yếu được dẫn dắt bởi nhà đầu tư cá nhân, tạo lực mua chính đối ứng với xu hướng bán ròng từ khối ngoại, tập trung tại các mã TPB, STB, VCB, ACB, FPT, VNM, MSN, DGC, FRT, VIC, DBC, NLG và GMD.

Tổng tài sản tài chính của nhà đầu tư (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ... do các công ty chứng khoán quản lý) tăng 15.500 tỷ đồng (+1%) trong quý I/2025, sau khi giảm 1,5% trong quý cuối năm trước. Số dư tiền gửi cũng tăng nhẹ 2,1%, đạt gần 74.500 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2025.

74.500 tỷ đồng được nhà đầu tư gửi tại các CTCK ngay trước cú sập do thuế Mỹ
74.500 tỷ đồng được các nhà đầu tư gửi tại công ty chứng khoán vào cuối quý I/2025

Tỷ lệ đòn bẩy, tính bằng dư nợ margin trên vốn hóa điều chỉnh theo free-float tăng lên 11,3%. Trong khi đó, tỷ lệ dư nợ margin trên tổng tài sản nhà đầu tư cũng lên tới 18,3%.

Trong bối cảnh dòng tiền thiếu ổn định và khối ngoại duy trì bán ròng, thông tin về kế hoạch Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam đã trở thành chất xúc tác cho làn sóng bán tháo đầu tháng 4. Áp lực giảm giá cổ phiếu từ đây dẫn tới hàng loạt hoạt động giải chấp, kéo theo biến động mạnh trên thị trường ngay sau đó. Tính từ 1 - 23/4, VN-Index đã mất 96 điểm (-7,34%).