Một trong những "mũi tên" mà chính quyền Tổng thống Trump nhắm đến khi áp đặt thuế đối ứng lên hàng hóa từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ và "hồi sinh" nền sản xuất nội địa đang suy yếu.

Bàn về lằn ranh thuế đối ứng của Mỹ, tại tọa đàm "Hướng đi chiến lược của Việt Nam trước chính sách thuế mới của Mỹ", chiều 21/4, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của cuộc đàm phán 90 ngày sắp tới với Mỹ. Bà ví von, đây là cơ hội vàng để Việt Nam lật ngược thế cờ, mở ra những cánh cửa tươi sáng hơn cho xuất khẩu nước nhà, nếu biết nắm bắt và đàm phán một cách khôn ngoan.

"Mỹ đang nghi ngại chúng ta trở thành trạm trung chuyển cho hàng hóa né thuế. Bởi vậy, việc minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ, giải trình rõ ràng cách thức làm ăn của doanh nghiệp Việt là tối thượng, để xoa dịu những lo ngại từ phía đối tác", bà Lan nói.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Việt Nam đã ký 17 hiệp định FTA, nhưng lại 'bỏ quên' thị trường lớn nhất
Việt Nam cần khẩn trương thúc đẩy đàm phán để có thể áp dụng các ưu đãi tương tự như với các nước đã ký FTA, bao gồm cả thuế quan và các biện pháp phi thuế quan, đối với hàng hóa Mỹ.

Đặc biệt, bà Lan đánh giá, động thái áp thuế đối ứng từ Mỹ không khác nào một "cú thức tỉnh" mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam, khi thiếu vắng một "lá chắn" FTA với thị trường xuất khẩu số một, thể hiện ở việc Việt Nam đã ký kết 17 FTA với nhiều quốc gia, nhưng với Mỹ chỉ có BTA, BTA+. Hợp tác hai bên vẫn dừng ở mức song phương thông thường.

"Việc không có FTA đồng nghĩa với việc Việt Nam buộc phải sử dụng Quy chế tối huệ quốc (MFN) của WTO nếu muốn giảm thuế cho Mỹ. Điều này dẫn đến một bất cập lớn: bất kỳ ưu đãi thuế nào dành cho hàng hóa Mỹ cũng tự động áp dụng cho tất cả các thành viên khác của WTO, làm giảm tính chiến lược và lợi thế trong đàm phán thương mại song phương", bà Lan nhận định.

Vị chuyên gia kinh tế chỉ ra sự "chậm nhịp" của Việt Nam trong việc thiết lập mối quan hệ thương mại sâu sắc hơn với Mỹ, đặc biệt là sau khi Mỹ bất ngờ rút lui khỏi "sân chơi" TPP vào năm 2017, ngay trong năm đầu tiên nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Bà Lan nhấn mạnh một chân lý trong quan hệ quốc tế: "Trong vô vàn yếu tố cấu thành một mối quan hệ, thì kinh tế luôn là thước đo then chốt, mang tính quyết định".

Do đó, bà Lan kiến nghị, Việt Nam cần khẩn trương thúc đẩy đàm phán để có thể áp dụng các ưu đãi tương tự như với các nước đã ký FTA, bao gồm cả thuế quan và các biện pháp phi thuế quan, đối với hàng hóa Mỹ. Bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tích hợp giá trị nhập khẩu dịch vụ vào quá trình đàm phán, bên cạnh việc tập trung vào nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.

Bên cạnh vấn đề FTA, bà Lan cũng chỉ ra "điểm nghẽn" cố hữu của kinh tế Việt Nam: ngành công nghiệp phụ trợ còn non yếu. Bà nhắc lại những trăn trở về việc nâng tầm ngành này cách đây 30 năm, những khát vọng thoát khỏi gia công và bẫy thu nhập trung bình. Thế nhưng, đến nay, sự phát triển của công nghiệp phụ trợ vẫn còn nhiều hạn chế. Điều đáng nói là, chính sự yếu kém này đã khiến lợi ích từ 17 FTA mà Việt Nam đã ký kết chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, thay vì tạo động lực thực sự cho các doanh nghiệp trong nước.