Quý I/2025, CTCP Chứng khoán VPS ghi nhận doanh thu 1.743 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Về cơ cấu, mảng môi giới đóng góp tỷ trọng lớn nhất với 589 tỷ đồng, nhưng sụt giảm 40% so với quý I/2024. Tuy nhiên, lãi từ cho vay margin tăng mạnh, đạt 503 tỷ đồng so với 395 tỷ đồng cùng kỳ. Lãi từ hoạt động tự doanh cũng đạt 224 tỷ đồng, tăng 68%.
Chi phí kinh doanh giảm 15%, tương ứng 146 tỷ đồng. Nhờ đó, Chứng khoán VPS báo lãi sau thuế 735 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Năm 2025, VPS đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2.800 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 26% kế hoạch năm.
![]() |
Kết quả kinh doanh VPS |
Theo số liệu từ HoSE và HNX, VPS tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới chứng khoán trên cả 4 bảng xếp hạng: HoSE, HNX, UPCoM và Phái sinh trong quý I/2025. Đây là quý thứ 17 liên tiếp VPS dẫn đầu thị trường, tính từ quý I/2021 đến nay.
Tuy nhiên, lợi nhuận từ mảng môi giới hiện không còn là trọng tâm của doanh nghiệp. Trước xu hướng miễn phí giao dịch đang lan rộng trong toàn ngành, VPS cũng không ngoại lệ. Doanh thu từ hoạt động này sụt giảm kéo theo lợi nhuận thu hẹp, chỉ còn 82 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lợi nhuận.
Tại ngày 31/3, tổng tài sản của VPS đạt 36.130 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay margin lên tới 18.337 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Công ty cũng phân bổ 10.273 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh FVTPL, chủ yếu vào các công cụ thị trường tiền tệ, trong khi lượng cổ phiếu niêm yết chỉ ở mức 18 tỷ đồng. Ngoài ra, VPS còn gửi 4.800 tỷ đồng tại ngân hàng với kỳ hạn 3 tháng.
Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả tại thời điểm cuối quý I là 24.033 tỷ đồng, trong đó nợ vay chiếm 23.431 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 12.098 tỷ đồng, bao gồm 6.029 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.