Hiện tượng lạ: Túi sắp cạn nhưng người Mỹ vẫn đang hào phóng tiêu tiền

Lãi suất tăng vọt. Lạm phát vẫn ở mức cao. Số tiền tiết kiệm được trong đại dịch đang dần cạn kiệt. Thị trường lao động bắt đầu hạ nhiệt.

Vì những lý do này, người tiêu dùng Mỹ nên chi tiêu ít hơn. Nhưng thực tế đang diễn ra hoàn toàn ngược lại. Chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ - động lực chính giúp nền kinh tế tăng trưởng – vẫn khá mạnh mẽ. Trong tháng 8, người Mỹ tiêu nhiều hơn 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn cả mức lạm phát 4%.

Mùa hè vừa qua chứng kiến ngành dịch vụ bùng nổ. Hãng hàng không Delta Airlines ghi nhận doanh thu kỷ lục trong quý II, và Ticketmaster đã bán ra hơn 295 triệu vé trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 18% so với 1 năm trước.

Theo các chuyên gia kinh tế và cố vấn tài chính, kinh tế Mỹ đang chứng kiến những điều kỳ lạ.

Một thị trường nhà đất nhiều khó khăn khiến nhiều người tiêu dùng từ bỏ thứ mà họ vẫn cố gắng giành giụm để đạt được. Đại dịch chứng minh bất cứ kế hoạch dài hạn nào cũng có thể trở nên chông chênh vì 1 biến cố không ai có thể lường trước, khiến công việc hàng ngày, sức khỏe và cuộc sống đảo lộn nhanh chóng.

Vì thế, người dân Mỹ đang mạnh tay chi tiêu cho những trải nghiệm “1 lần trong đời”, bởi họ lo ngại sau này mình sẽ không thể làm được điều đó.

Theo Michael Liersch, chuyên gia tư vấn đang công tác tại Wells Fargo, vẫn còn quá sớm để nhận định xu hướng chi tiêu mới chỉ là nhất thời hay sẽ là trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó người tiêu dùng vẫn đang lo ngại về lạm phát bởi giá của nhiều loại hàng hóa vẫn ở mức cao hơn đáng kể so với vài năm trước.

Ibby Hussain, người đang làm công việc marketing ở 1 công ty tài chính, và vợ đang thuê 1 căn hộ ở Brooklyn với giá 3.000 USD/tháng. Để mua được căn hộ đó (giá 1 triệu USD), họ sẽ phải trả trước 1 khoản 200.000 USD (chưa tính đến thuế bất động sản) và sau đó mỗi tháng trả khoảng 5.000 USD.

Và thậm chí đó không phải là 1 căn hộ đẹp đẽ. Vì thế, thay vì tiết kiệm để mua nhà, cưới vợ sau khi bước qua tuổi 30 như dự tính trước đây, Hussain đã chọn cách hoàn toàn khác. Đầu tiên, anh chi 1.600 USD mua vé dự Eras Tour của Taylor Swift. Sau đó bỏ 3.500 USD cho 1 bữa tiệc ở Tây Ban Nha.

Ally Bank, người đang vận hành 1 nền tảng trực tuyến về tài chính cá nhân, cho biết người dùng tập trung vào các trải nghiệm như du lịch và những hoạt động giải trí khác nhiều hơn gấp rưỡi so với những kế hoạch dài hơi.

Mùa xuân vừa qua, Lindsey và Darrell Bradshaw đã vay thẻ tín dụng để đi nghỉ ở Maui. Chỉ vài tuần trước, Lindsey (37 tuổi) đã nghỉ việc để toàn tâm chăm sóc cho cậu con trai 8 tuổi. Chuyến đi tiêu tốn 10.000 USD, bao gồm 3 vé máy bay 1.000 USD được mua vào phút chót, 10 đêm tại 1 resort 4 sao và vài bữa ăn sang trọng.

Mặc dù gia đình quyết định sẽ hạn chế đi ăn hàng và cắt bỏ một số dịch vụ thuê bao thường xuyên để bù đắp chi phí, họ rất hài lòng và không hề hối tiếc về chuyến đi. Đặc biệt, họ đã được nhìn ngắm thành phố Lahaina chỉ vài tháng trước khi nó bị thiêu rụi.

Nỗi sợ biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiều địa danh nổi tiếng biến mất thôi thúc nhiều người đi du lịch. Theo khảo sát trên 19.000 khách hàng trên toàn cầu của Deloitte, biến đổi khí hậu là chủ đề duy nhất mà khách hàng cảm thấy ngày càng lo ngại.

Tất nhiên người tiêu dùng khó có thể hào phóng được mãi khi mà nguồn lực tài chính bị co hẹp. Các cuộc biểu tình của người lao động và những khoản nợ sinh viên đáo hạn có thể khiến họ nản chí. Giá xăng tăng cũng làm giảm nhu cầu đi lại.

Tuy nhiên, đối với những người nghiên cứu về hành vi tiêu dùng, làn sóng chi tiêu mạnh tay hiện nay thực sự là điều ngạc nhiên.