Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Hoa Lâm An vừa công bố tình hình thanh toán lô trái phiếu LACCH2124001.
Theo kế hoạch ban đầu, đến ngày 31/12/2024, Hoa Lâm An phải thanh toán hơn 55,7 tỷ đồng tiền lãi và 700 tỷ đồng tiền gốc cho lô trái phiếu này. Tuy nhiên, đến ngày 16/6/2025, công ty mới chỉ thanh toán xong phần lãi và gần 10 tỷ đồng tiền gốc, tức vẫn còn hơn 690 tỷ đồng gốc chưa được thanh toán.
Hoa Lâm An cho biết vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn tài chính và sẽ tiếp tục đàm phán với trái chủ để thống nhất tiến độ thanh toán mới.
Công ty Hoa Lâm An tiền thân là Công ty Cổ phần Tuổi thơ Hy vọng, thành lập tháng 12/2007, do ông Nguyễn Văn Sự (sinh năm 1959) làm Giám đốc. Đến tháng 7/2020, bà Nguyễn Hồng Nhung (sinh năm 1983) lên thay vị trí điều hành. Đáng chú ý, vào tháng 12/2020, công ty đổi tên thành Hoa Lâm An và bất ngờ tăng vốn điều lệ từ 500 triệu đồng lên 120 tỷ đồng, tương ứng gấp 240 lần chỉ trong một đợt.
Sau đó, ông Chu Mạnh Tuấn được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc từ tháng 10/2021 và sau này chuyển giao cho bà Trần Thị Thu (sinh năm 1983).
Ông Chu Mạnh Tuấn còn là người đại diện theo pháp luật của CTCP Bán lẻ Vinstores và Công ty TNHH Sáng tạo quốc tế Chu.AA Studio.
Lô trái phiếu LACCH2124001 được Hoa Lâm An phát hành vào ngày 30/12/2021, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào 31/12/2024, với lãi suất 11,5%/năm. Chứng khoán Everest (EVS) là đơn vị thu xếp phát hành.
Liên quan mã trái phiếu này, đáng chú ý, chỉ vài ngày trước hạn thanh toán (24/12/2024), HĐQT Chứng khoán Everest đã thông qua phương án chuyển nhượng 27.536 trái phiếu LACCH2124001 (tương đương 275,36 tỷ đồng) cho CTCP Thương mại Dịch vụ Giải trí Việt Media, với giá chuyển nhượng gần 307 tỷ đồng. Việc thanh toán được thỏa thuận theo từng đợt trong tối đa 12 tháng, bắt đầu ngay cuối năm 2024. Tài sản đảm bảo cho giao dịch là 35,3 triệu cổ phiếu NVB (Ngân hàng TMCP Quốc dân) lưu ký tại EVS.
Đến cuối năm 2024, EVS vẫn chưa thu được khoản tiền này và phải ghi nhận 307 tỷ đồng vào mục “phải thu”. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của EVS tăng vọt lên 1.233 tỷ đồng – tăng thêm 900 tỷ đồng chỉ trong vòng một năm.
Cụ thể, không chỉ các khoản phải thu 307 tỷ đồng từ Việt Media, Chứng khoán Everest còn ghi nhận hai khoản phải thu lớn khác:
-
189 tỷ đồng từ việc bán 16.907 trái phiếu TITCH2124001 của CTCP Đầu tư Sản xuất và Thương mại Tiến Trường cho CTCP Đầu tư Thương mại Toàn Xuân Thịnh. Giao dịch này được đảm bảo bằng 22,99 triệu cổ phiếu NVB.
-
737 tỷ đồng từ việc bán tổng cộng 84.654 trái phiếu của CTCP Đầu tư Cam Lâm cho CTCP Dịch vụ Tư vấn Tiến Thành. Tài sản đảm bảo là gần 74,5 triệu cổ phần của CTCP XNK Khoáng sản.
Điều đáng chú ý là bà Trần Thị Thu – người đại diện pháp luật của Hoa Lâm An – cũng đang là Giám đốc của CTCP Dịch vụ Tư vấn Tiến Thành. Đây là một công ty mới thành lập, với vốn điều lệ 375 tỷ đồng.
Giá trị các khoản phải thu thời điểm cuối quý I/2025 của chứng khoán Everest vẫn duy trì mức 1.241 tỷ đồng những không có thuyết minh chi tiết.
Việt Media, đơn vị mua lại lô trái phiếu của Hoa Lâm An từ Chứng khoán Everest, được thành lập vào tháng 12/2015. Ban đầu, công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, với bà Đỗ Thị Hòa góp 20%, bà Thân Thị Thu Huyền góp 10%, và phần còn lại do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Lotus nắm giữ. Tuy nhiên, đến tháng 12/2017, cả bà Hòa và Lotus đều đã thoái vốn.