Ngày 8/7, tại cảng Ganggu thuộc huyện Yeongdeok, tỉnh Gyeongbuk (Hàn Quốc), phần lớn số cá trên không thể xuất hiện trên bàn ăn hay trong siêu thị, mà phải đem đi tiêu hủy hoặc làm thức ăn chăn nuôi.
Trong năm 2025, huyện Yeongdeok chỉ được cấp hạn ngạch 35 tấn cá ngừ. Tuy nhiên, mẻ lưới bất ngờ hôm 8/7 lại chứa hơn 100 tấn, vượt gần gấp ba lần giới hạn cho phép. Hệ thống pháp lý không công nhận bất kỳ con cá nào vượt quota là hợp pháp, đồng nghĩa với việc không có mã truy xuất nguồn gốc, không thể bán ra thị trường nội địa hay xuất khẩu.
Điều trớ trêu là mỗi con cá ngừ lớn có giá trị kinh tế rất cao. Một cá thể nặng 314kg từng được bán với giá 10,5 triệu won (hơn 180 triệu đồng). Nhưng vì không có giá trị pháp lý, cá vượt quota buộc phải bán với giá rẻ mạt 4.000–5.000 won/kg (khoảng 76.000–95.000 đồng/kg) hoặc bị tiêu hủy, nghiền nát làm cám gia súc. Thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ đồng.
![]() |
Ngư dân thất vọng vì mẻ cá trúng đậm lại bị tiêu hủy. Ảnh minh họa |
Ngư dân tại cảng Ganggu không giấu được sự thất vọng. "Trước đây, chúng tôi chỉ bắt được cá ngừ nhỏ dưới 10kg, giờ cá lớn vào lưới ngày càng nhiều. Giá thì cao, chất lượng tốt nhưng đành phải vứt bỏ vì không hợp pháp", một ngư dân chia sẻ.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia tuân thủ nghiêm ngặt các hiệp định quốc tế về bảo tồn tài nguyên biển, như WCPFC (Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương) và ICCAT (Ủy ban Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương). Theo đó, mỗi địa phương, mỗi tàu cá đều được phân bổ sản lượng đánh bắt cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Vấn đề không chỉ nằm ở việc đánh bắt vượt mức, mà còn xuất phát từ sự thiếu linh hoạt trong hệ thống quản lý quota. Với biến đổi khí hậu và dòng hải lưu thay đổi, sự xuất hiện của cá ngừ lớn trở nên phổ biến hơn, nhưng chính sách hạn ngạch vẫn áp dụng cứng nhắc, không cho phép điều chỉnh tạm thời trong các trường hợp bất thường.
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Hàn Quốc cần xây dựng cơ chế điều chỉnh linh hoạt hơn. Một đề xuất đáng chú ý là cho phép "tạm ứng hạn ngạch", tức là ghi nhận sản lượng vượt mức vào kỳ hạn ngạch năm sau, tương tự mô hình hạn mức tín dụng. Ngoài ra, việc chuyển hướng số cá vượt quota sang lĩnh vực chế biến phi thực phẩm như dược liệu, mỹ phẩm cũng được khuyến khích để tránh lãng phí nguồn lực quý giá.