CNBC đưa tin, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 16/4 đã tăng nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu. Họ cho biết nền kinh tế đã chứng tỏ “khả năng phục hồi đáng kinh ngạc” bất chấp áp lực lạm phát và những thay đổi trong chính sách tiền tệ.

IMF kỳ vọng mức tăng trưởng toàn cầu là 3,2% vào năm 2024, tăng khiêm tốn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1 trước đó và phù hợp với dự báo tăng trưởng cho năm 2023. Mức tăng trưởng của năm 2025 dự kiến cũng tăng với tốc độ 3,2%.

IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu nhưng khẳng định Trung Quốc vẫn là ‘rủi ro tiềm ẩn’
Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas cho biết nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới một cuộc “hạ cánh mềm”, mặc dù vẫn còn một số rủi ro suy thoái. Ảnh: CNBC

Nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas nhận định: “Nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới một cuộc ‘hạ cánh mềm’ sau một loạt khủng hoảng kinh tế và những rủi ro đối với triển vọng hiện đã được cân bằng”.

Bất chấp những dự đoán ảm đạm, ông đánh giá nền kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng phục hồi đáng kể, với tốc độ tăng trưởng ổn định và lạm phát chậm lại gần như nhanh chóng.

Tăng trưởng dự kiến sẽ được dẫn đầu bởi các nền kinh tế phát triển, trong đó Mỹ và khu vực đồng euro đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý, triển vọng mờ mịt ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác có thể gây áp lực lên các đối tác thương mại toàn cầu.

Trung Quốc trở thành “rủi ro tiềm ẩn” toàn cầu

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn yếu kém do thị trường bất động sản suy thoái, trở thành một trong số hàng loạt rủi ro tiềm ẩn mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt.

IMF cảnh báo rằng việc thiếu gói tái cơ cấu toàn diện cho ngành bất động sản đang gặp khó khăn của nước này có thể kéo dài tình trạng suy giảm nhu cầu trong nước.

Dự báo tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc hiện giữ nguyên ở ngưỡng 4,6%, giảm từ mức 5,2% vào năm 2023 và tiếp tục giảm xuống 4,1% vào năm 2025.

Các yếu tố rủi ro khác bao gồm giá cả tăng vọt do lo ngại về địa chính trị, căng thẳng thương mại, sự khác biệt trong lộ trình giảm phát giữa các nền kinh tế lớn và lãi suất cao kéo dài.

Ngược lại, chính sách tài khóa nới lỏng hơn, lạm phát giảm và những tiến bộ trong AI được coi là động lực tăng trưởng tiềm năng.

Kinh tế toàn cầu chứng tỏ khả năng phục hồi bất chấp suy thoái, Trung Quốc vẫn là ‘rủi ro tiềm ẩn’
IMF đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu vào ngày 16/4. Ảnh: CNBC

Các Ngân hàng Trung ương hiện đang theo dõi các số liệu kinh tế chặt chẽ để tìm tín hiệu về con đường lạm phát trong tương lai, khi còn có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất.

Một số nhà phân tích gần đây dự báo khả năng Fed tăng lãi suất do lạm phát dai dẳng và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đè nặng lên tâm lý kinh tế.

IMF cũng nhận thấy lạm phát toàn cầu giảm từ mức trung bình hàng năm là 6,8% vào năm 2023 xuống còn 5,9% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025. Trong đó, các nền kinh tế tiên tiến quay trở lại mục tiêu lạm phát sớm hơn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Ông Gourinchas bình luận: “Khi nền kinh tế toàn cầu sắp hạ cánh mềm, ưu tiên ngắn hạn của các ngân hàng trung ương là đảm bảo lạm phát giảm xuống một cách suôn sẻ, bằng cách không nới lỏng chính sách quá sớm cũng như không trì hoãn quá lâu”.

Bất chấp triển vọng tươi sáng hơn vào ngày 16/4, tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn, một phần do tăng trưởng năng suất yếu và căng thẳng địa chính trị. IMF dự báo trong 5 năm tới, tăng trưởng toàn cầu sẽ ở mức 3,1% - thấp nhất trong nhiều thập kỷ.