Trong giai đoạn tiền tệ toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ dưới áp lực công nghệ số, CBDC và stablecoin không chỉ là hai mô hình tiền tệ mới mà còn là hai đại diện cho hai triết lý điều hành đối lập: nhà nước điều tiết và thị trường vận hành.
Báo cáo do CoinDesk Data công bố cho thấy, tháng 4/2025 là thời điểm đánh dấu sự bứt phá đồng thời của cả hai dòng tiền kỹ thuật số này. Tổng vốn hóa stablecoin lập đỉnh lịch sử mới, trong khi nhiều quốc gia tăng tốc triển khai CBDC. Tuy nhiên, thay vì triệt tiêu nhau, hai hình thái tiền tệ này đang cùng kiến tạo một cấu trúc tài chính lai ghép – nơi CBDC mang lại sự ổn định còn stablecoin mang theo tính linh hoạt.
CBDC: Sức mạnh kỹ thuật số của chính phủ hiện đại
Theo CoinDesk Data, “Kyrgyzstan đã chính thức cấp pháp lý cho đồng som kỹ thuật số, trong khi UAE và Belarus công bố kế hoạch phát hành CBDC trong năm nay”. Đây là bước đi có ý nghĩa thể chế quan trọng, đặt nền móng pháp lý cho việc thí điểm phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia. Đặc biệt, Hàn Quốc đã khởi động chương trình thử nghiệm đồng won kỹ thuật số với quy mô 100.000 người, cho phép chuyển đổi tiền gửi ngân hàng thành CBDC và sử dụng tại chuỗi cửa hàng 7-Eleven với ưu đãi chiết khấu 10%.
![]() |
Toàn cảnh làn sóng CBDC toàn cầu trong tháng 4/2025: Từ thử nghiệm bán lẻ đến tham vọng quốc tế hóa tiền tệ số. Nguồn: CoinDesk Data – Stablecoins Report, April 2025. |
CBDC được thiết kế để tích hợp trực tiếp vào hệ thống thanh toán hiện hữu nhưng vận hành theo chuẩn số hóa. Khác với tiền giấy hay tiền gửi ngân hàng, CBDC có thể giao dịch trực tiếp giữa người dùng thông qua ví số do ngân hàng trung ương cấp phép, rút ngắn khâu trung gian và giảm chi phí thanh toán. Mô hình này cũng tạo điều kiện cho chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kích thích kinh tế với độ chính xác và tốc độ cao hơn, bằng cách chuyển tiền trực tiếp đến công dân.
Tuy vậy, mô hình CBDC không tránh khỏi rủi ro hệ thống. Nếu một lượng lớn tiền được rút khỏi ngân hàng thương mại để chuyển sang ví CBDC, nguy cơ “disintermediation” có thể gây mất cân đối thanh khoản và làm suy yếu vai trò trung gian của hệ thống ngân hàng. Đến thời điểm hiện tại, chưa có quốc gia nào công bố tỷ lệ cung ứng CBDC trong tổng cung tiền quốc gia, cho thấy phần lớn các chương trình vẫn ở quy mô thử nghiệm, chưa tạo ảnh hưởng lớn đến cấu trúc tài chính vĩ mô. Ngoài ra, CBDC hiện chưa có khả năng thanh toán xuyên biên giới – yếu tố khiến vai trò quốc tế hóa còn khá hạn chế so với stablecoin.
Stablecoin: Năng động, linh hoạt và gắn chặt với thị trường
Báo cáo của CoinDesk Data ghi nhận: “Tổng vốn hóa thị trường stablecoin đạt 238 tỷ USD, tăng 2,12% trong tháng 4/2025, tiếp nối chuỗi 19 tháng tăng trưởng liên tục". Mặc dù tăng trưởng tuyệt đối, tỷ trọng stablecoin trong toàn bộ thị trường tài sản số lại giảm từ 8,64% xuống còn 7,88%, phản ánh sự trở lại mạnh mẽ của các loại tài sản mã hóa khác, đặc biệt là Bitcoin – đồng tiền đã tăng giá từ mức đáy 74.496 USD lên đến 95.000 USD trong vòng chưa đầy một tháng.
![]() |
Stablecoin tăng trưởng liên tiếp 19 tháng: Vốn hóa lập đỉnh, thanh khoản giảm tốc. Nguồn: CoinDesk Data, DeFiLlama – Dữ liệu cập nhật đến ngày 28/4/2025. |
Về thanh khoản, stablecoin chiếm ưu thế tuyệt đối trên các sàn giao dịch tập trung với tổng khối lượng giao dịch đạt 1.320 tỷ USD trong tháng 4. Tether (USDT) dẫn đầu với 75,2% thị phần, tiếp theo là USDC với 18,0% – mức cao kỷ lục trong lịch sử đồng stablecoin này. “USDC đã ghi nhận vốn hóa 62,1 tỷ USD, tăng 3,07%, đồng thời thị phần giao dịch tăng lên 26% – mức cao nhất kể từ tháng 2/2023”, theo CoinDesk Data. Không chỉ stablecoin neo theo USD phát triển, mà các stablecoin phi USD như EURC cũng ghi nhận sự bứt phá với mức tăng vốn hóa 54,1% lên 231 triệu USD – mức cao nhất kể từ tháng 4/2022, trong bối cảnh tỷ giá USD/EUR sụt mạnh xuống còn 0,87 do căng thẳng thuế quan Mỹ – EU.
![]() |
Top 5 stablecoin dẫn đầu về vốn hóa: Tether (USDT) và USDC tiếp tục thống trị tháng 4/2025. Nguồn: CoinDesk Data – Dữ liệu tính đến ngày 28/4/2025. |
Một xu hướng đáng chú ý là sự mở rộng của các stablecoin được hỗ trợ bởi tài sản truyền thống. BlackRock BUIDL – đồng stablecoin gắn với quỹ trái phiếu ngắn hạn – tăng vốn hóa 32,5% lên 2,54 tỷ USD trong tháng 4. Ngược lại, FDUSD do First Digital Labs phát hành đã mất mốc neo 1 USD, rơi xuống 0,86 USD vào ngày 2/4 và kéo vốn hóa giảm 46,2% còn 1,25 tỷ USD – đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Sự cố này là minh chứng cho rủi ro mất niềm tin nếu không có cơ chế bảo chứng tài sản minh bạch.
![]() |
Cuộc đua stablecoin thế hệ mới: BlackRock USD bứt phá, First Digital USD hụt hơi. Nguồn: CoinDesk Data, DeFiLlama – Dữ liệu cập nhật đến tháng 4/2025. |
Không thay thế, mà là đồng tồn tại thông minh
Theo CoinDesk Data, “tăng trưởng ổn định kéo dài 19 tháng cho thấy stablecoin đã trở thành cầu nối không thể thiếu giữa tài sản truyền thống và thế giới blockchain". Trong khi CBDC đại diện cho quyền lực nhà nước, kiểm soát chính sách và ổn định vĩ mô, stablecoin lại phản ánh sự thích ứng thị trường, tích hợp nhanh vào các ứng dụng phi tập trung và mang tính toàn cầu. Ngày 1/4/2025, Circle – đơn vị phát hành USDC – đã nộp hồ sơ IPO lên Sở Giao dịch Chứng khoán New York với mã CRCL. Theo tài liệu IPO, Circle ghi nhận 1,68 tỷ USD thu nhập từ hoạt động dự trữ stablecoin trong năm 2024, tăng so với 1,45 tỷ USD năm 2023. Đồng thời, Circle đang hợp tác cùng Deutsche Bank, Santander và Standard Chartered để xây dựng hạ tầng thanh toán liên ngân hàng sử dụng stablecoin – điều mà CBDC hiện chưa thực hiện được.
Dù vậy, mỗi hình thái tiền tệ vẫn tồn tại những hạn chế riêng. CBDC hiện chưa thể tương tác với các nền tảng DeFi, chưa tích hợp hợp đồng thông minh và bị giới hạn bởi biên giới pháp lý quốc gia. Trong khi đó, stablecoin đối mặt với rủi ro mất giá trị neo, thiếu chuẩn bảo chứng thống nhất và chịu giám sát ngày càng chặt chẽ từ các cơ quan quản lý toàn cầu.
Do đó, cấu trúc tiền tệ tương lai nhiều khả năng sẽ không chọn bên mà sẽ là sự phối hợp thông minh. CBDC có thể đảm nhiệm các chức năng ổn định nội địa, triển khai chính sách tiền tệ và trợ cấp xã hội. Còn stablecoin sẽ tiếp tục là công cụ lưu chuyển vốn quốc tế, hỗ trợ tài chính phi ngân hàng và mở rộng không gian DeFi. Trong trật tự tiền tệ hậu toàn cầu hóa, sự đồng tồn tại của CBDC và stablecoin là một tất yếu – phản ánh sự phân công chức năng thay vì cạnh tranh quyền lực. Khi công nghệ phát triển vượt giới hạn địa lý, chỉ một mô hình lai ghép giữa Nhà nước và thị trường mới có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của nền kinh tế số.