Ngày 8/7/2025 tại TP. HCM, Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) tổ chức Hội nghị "Tích luỹ và Quản lý tài sản". Tại hội nghị TVAM chính thức công bố Kết quả khảo sát 2025 “Thực trạng và nhu cầu của người Việt về quản lý tài sản cá nhân”.
![]() |
Hội nghị Đầu tư 2025: Tích lũy & Quản lý Tài sản do TVS đồng tổ chức ngày 8/7/2025 |
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 3/2025, người dân đang gửi gần 7,47 triệu tỷ đồng tại các tổ chức tín dụng, tăng 5,73% so với cuối năm 2024, tương đương khoảng 404.900 tỷ đồng được bổ sung thêm chỉ trong quý đầu năm.
Trong khi đó, giá vàng SJC và vàng nhẫn tăng lần lượt hơn 39% và 35,8% từ đầu năm đến giữa tháng 6/2025, khẳng định vị thế của vàng như một “kênh trú ẩn” trong thời kỳ địa chính trị bất ổn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân. Tính đến ngày 31/5/2025, tổng số tài khoản giao dịch trong nước đã vượt mốc 10,02 triệu tài khoản, trong đó hơn 771.900 tài khoản được mở mới chỉ trong 5 tháng đầu năm. Thanh khoản cũng đạt mức cao, với khối lượng giao dịch bình quân trên sàn HoSE hơn 924 triệu cổ phiếu/ngày, tương đương giá trị giao dịch hơn 21.656 tỷ đồng/ngày.
Tất cả những dữ liệu trên cho thấy một thực tế người Việt đang tích cực tích lũy và tìm kiếm kênh đầu tư.
Tâm lý e ngại rủi ro – Khi lãi kép thành cơ hội bị bỏ quên
Báo cáo khảo sát của TVAM ghi nhận một thực trạng đáng quan tâm ở nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam. Mặc dù có đến 88% nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận trên 7%/năm, trong đó 42% mong đợi mức sinh lời từ 15–30%/năm, phần lớn vẫn ưu tiên các kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm, vàng và bất động sản.
Dù các kênh đầu tư như vàng, bất động sản có thể sinh lời tốt ở một số giai đoạn nhưng đặc tính thanh khoản thấp, khó dự báo, nhất là trong bối cảnh thị trường biến động nhanh, khiến việc tối ưu danh mục dài hạn gặp nhiều thách thức.
Số liệu từ báo cáo cho thấy có tới 75% nhà đầu tư chỉ đầu tư vào 2–3 kênh, đặc biệt là các kênh truyền thống, thay vì chủ động phân bổ tài sản đa dạng – một xu hướng tương đồng với toàn cầu. Báo cáo Global Wealth 2025 của UBS cho thấy danh mục tài sản cá nhân toàn cầu vẫn nghiêng về bất động sản và tài sản tiêu dùng, trong khi thống kê mới nhất từ BCG ghi nhận tiền gửi tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản hộ gia đình.
Thực tế này phản ánh tâm lý e ngại rủi ro và thiếu định hướng trung dài hạn, ngay cả ở nhóm nhà đầu tư có năng lực tài chính và sở hữu tài sản tích lũy lớn. Họ thường ưu tiên các sản phẩm đơn giản, dễ tiếp cận hơn là đa dạng hóa danh mục qua các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu hay đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp.
![]() |
Nguồn: TVS |
Xu hướng này không chỉ phổ biến ở nhóm nhà đầu tư đại chúng, ngay cả nhóm có tài sản từ 1 tỷ đồng và thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng cũng thể hiện hành vi tương tự. Điều này cho thấy rào cản không nằm ở khả năng tài chính mà chủ yếu đến từ việc chưa đủ trải nghiệm đầu tư và kiến thức về quản lý tài chính.
Không ít nhà đầu tư – kể cả những người có kinh nghiệm – vẫn chưa chủ động lập danh mục phù hợp với mục tiêu hiện tại. Có đến 74% nhà đầu tư trong khảo sát kỳ vọng mức thu nhập sau nghỉ hưu từ 100–500 triệu đồng mỗi năm, nhưng phần lớn vẫn đầu tư theo thói quen, thiếu phân bổ rủi ro hợp lý. Điều này dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội tận dụng sức mạnh của lãi kép và không đạt được lợi nhuận như mong muốn.
Thực trạng quản lý tài chính cá nhân: "Tự lo" do chưa đủ niềm tin
Khảo sát cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn đang “tự lo” cho hành trình tài chính của mình mà thiếu sự hỗ trợ chuyên sâu, được dẫn chứng bởi 77% nhà đầu tư chia sẻ gặp khó khăn khi tự quản lý tài sản. Trong đó, 51% bị cảm xúc chi phối khi ra quyết định và 48% thiếu kiến thức chuyên môn, khiến họ dễ bị cuốn theo xu hướng ngắn hạn hoặc đầu tư không hiệu quả.
Một điểm đáng chú ý là nhiều nhà đầu tư đánh giá quá cao khả năng tự xử lý tài chính của bản thân, đặc biệt ở nhóm chưa từng thua lỗ. Có đến 58% trong nhóm này cho rằng họ không gặp khó khăn khi đầu tư, trong khi ở nhóm đã từng thua lỗ, tỷ lệ này chỉ là 10%. Vòng lặp tâm lý này khiến họ dễ bỏ qua vai trò của việc tham vấn chuyên gia và các công cụ hỗ trợ minh bạch.
Bên cạnh yếu tố chủ quan, nhiều người còn do dự vì thói quen tự quyết định, lo ngại chi phí cao hoặc không rõ ràng, hoặc cảm thấy tài sản chưa đủ lớn để sử dụng dịch vụ chuyên biệt. Không ít người cũng cho biết họ chưa hiểu rõ cách thức vận hành của các giải pháp quản lý tài sản, hoặc thiếu niềm tin vào đội ngũ tư vấn.
Dù vậy, nhu cầu hỗ trợ tài chính vẫn rất rõ ràng, có đến 81% người khảo sát cho biết họ mong muốn được tư vấn, đặc biệt ở các mảng như: Đầu tư bất động sản (44%), lập kế hoạch tài chính tổng thể (32%), đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, quỹ (31%) và tư vấn thuế liên quan đến tài sản (29%).
Dù nhu cầu đã hình thành rõ nét, khảo sát cũng cho thấy dịch vụ quản lý tài sản cá nhân vẫn chưa được tiếp cận rộng rãi. Chỉ 39% người tham gia khảo sát từng nghe đến dịch vụ này và chỉ 4% đã và đang sử dụng – một tỷ lệ còn quá khiêm tốn so với quy mô tài sản và kỳ vọng của nhà đầu tư hiện nay.
![]() |
Ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) |
Ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM), chia sẻ: “Lần đầu tiên tại Việt Nam, chúng ta có được một bức tranh toàn diện về khoảng cách giữa kỳ vọng sinh lời, hành vi tài chính và nhu cầu thực sự của nhà đầu tư cá nhân. Khoảng trống này mở ra dư địa rất lớn cho thị trường quản lý tài sản – đặc biệt khi tầng lớp trung lưu và người tiêu dùng cao cấp đang tăng trưởng nhanh chóng cả về quy mô và kỳ vọng.
Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore hay Trung Quốc, việc phân bổ tài sản bài bản từ cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư đến các tài sản thay thế – là điều phổ biến. Trong khi đó, phần lớn tài sản của người Việt vẫn đang tập trung vào bất động sản và vàng. Để thu hẹp khoảng cách này, các định chế tài chính, bao gồm cả công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư như TVAM, cần đóng vai trò hướng dẫn, đồng hành và chuẩn hóa dịch vụ quản lý tài sản theo chuẩn mực quốc tế”.