Theo thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, trong tháng 6/2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 273.000 tấn sắn và sản phẩm từ sắn, thu về hơn 85 triệu USD giảm lần lượt 29,5% về lượng và 26,5% về trị giá so với tháng trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 2,2 triệu tấn, trị giá khoảng 687 triệu USD, tăng mạnh 63,1% về lượng và 9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất khi tiêu thụ hơn 2,1 triệu tấn sắn từ Việt Nam, tăng 70% về lượng và 13% về kim ngạch so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình sang thị trường này chỉ đạt 298 USD/tấn, giảm tới 1/3 so với năm ngoái.
Xếp sau là Đài Loan (Trung Quốc) với gần 30.000 tấn, trị giá hơn 11 triệu USD. Dù lượng tăng 8%, giá trị lại giảm 27%, giá xuất khẩu bình quân cũng giảm 1/3, chỉ còn 370 USD/tấn. Philippines đứng thứ ba với hơn 16.000 tấn, thu về 5,6 triệu USD – lượng tăng 55% nhưng giá trị chỉ nhích 2%, giá bình quân 340 USD/tấn.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Nguyên nhân giá lao dốc được Hiệp hội Sắn Việt Nam lý giải là do tồn kho lớn tại các cảng Trung Quốc, tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan và Lào lại dồi dào. Điều này khiến các doanh nghiệp Trung Quốc dễ dàng "ép giá".
Trước đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gần như tuyệt đối với sắn Việt Nam, chiếm tới 92,85% về lượng và 91,77% về trị giá năm 2024. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, nhu cầu sắn lát ở Trung Quốc liên tục giảm, chủ yếu do các nhà máy tại nước này giảm sản xuất và chuyển sang sử dụng ngô nhờ giá rẻ hơn.
![]() |
Biểu đồ so sánh giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam từ năm 2024 đến nay |
Tình trạng này gây khó khăn cho các nhà máy sắn trong nước. Dù đang vào chính vụ, nhiều nhà máy dự kiến sẽ dừng hoạt động sớm. Trong khi đó, diện tích sắn vụ 2024–2025 tăng hơn 10% so với vụ trước, sản lượng củ tươi lớn nhưng tiêu thụ trì trệ.
Tại Mường Lát (Thanh Hóa) vùng trọng điểm trồng sắn nhiều nơi sắn đã thu hoạch bị chất đầy ven đường, không có thương lái thu mua. Giá sắn rớt thê thảm, chỉ còn 1.500 đồng/kg, thậm chí có lúc xuống 900 đồng/kg. Nhiều hộ dân không muốn đào củ vì không đủ tiền trả công thuê người nhổ.
Trước thực trạng khó khăn, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành sắn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu đến năm 2030: sản lượng đạt 11,5 – 12,5 triệu tấn; 40 – 50% diện tích trồng dùng giống đạt chuẩn; 50% diện tích áp dụng canh tác bền vững. Xuất khẩu kỳ vọng đạt 1,8 – 2 tỷ USD.