TOP doanh nghiệp nhiều tiền nhất sàn chứng khoán

Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) tiếp tục là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt cao nhất sàn chứng khoán tính tới cuối quý I/2024 với hơn 42.600 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD. Đây cũng là lượng tiền mặt cao nhất từ trước đến nay của “ông lớn” dầu khí này.

Vị trí thứ hai thuộc về Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR). Đến cuối I/2024, "núi tiền mặt" của BSR tăng hơn 2.200 tỷ đồng lên mức 40.300 tỷ đồng, mặc dù lợi nhuận “đi lùi” 31%.

Với lượng tiền và các khoản tương đương tiền đều sụt giảm còn hơn 31.000 tỷ đồng, Vingroup (VIC) đã tụt xuống vị trí thứ tư nhường vị trí số 3 cho Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với 34.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lượng tiền mặt cao kỷ lục giúp Thế Giới Di Động (MWG) và Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI) vươn lên vị trí thứ năm và sáu với lần lượt là hơn 30.200 tỷ và gần 26.700 tỷ.

Quán quân lãi tiền gửi, ngồi yên vẫn thu hàng tỷ đồng mỗi ngày

Vị trí quán quân thuộc về Thế giới Di động (MWG), mặc dù lượng tiền mặt chỉ đứng ở TOP 5 nhưng với lượng tiền và tương đương tiền 30.243 tỷ đồng đã giúp MWG thu về khoản lãi đạt 494 tỷ đồng, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm 2023.

Vị trí á quân thuộc về PV GAS, với lượng "tiền tươi" lớn, doanh nghiệp mang về 436 tỷ đồng lãi tiền gửi trong quý I. Như vậy, mỗi ngày công ty bỏ túi gần 5 tỷ đồng nhờ tiền lãi gửi ngân hàng.

Đối với Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long, doanh nghiệp ghi nhận lãi tiền gửi đạt 422 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Lọc hoá dầu Bình Sơn thu về 520 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, trong đó lãi tiền gửi ngân hàng ghi nhận gần 355 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) cũng thu từ tiền lãi gửi ngân hàng đạt 345 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ một phần do lãi suất tiền gửi giảm.

Ngoài ra, thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng trong quý này của "ông lớn" ngành bia rượu Sabeco trong quý I này cũng ghi nhận 273 tỉ đồng, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm 2023.