Ngay sau khi sắc lệnh thuế quan mới được ký, một trong những ông lớn của ngành xe hơi Mỹ – Stellantis, hãng sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Chrysler, Jeep và Dodge – đã phải đưa ra quyết định đầy khó khăn: tạm ngừng hoạt động tại hai nhà máy lớn ở Windsor (Canada) và Toluca (Mexico), ảnh hưởng trực tiếp đến gần 5.400 công nhân.
Trong đó, 4.500 người tại Windsor bị sa thải tạm thời, còn 2.500 lao động tại Toluca vẫn đến nhà máy nhưng không có xe để sản xuất. Ngoài ra, 900 công nhân Mỹ trong chuỗi cung ứng cũng phải đối mặt với nguy cơ mất việc.
Không chỉ có Stellantis, Hyundai cũng đang gồng mình chống đỡ. CEO José Munoz tuyên bố hãng sẽ không tăng giá bán để bù thuế, thay vào đó phải cắt giảm các chương trình bảo dưỡng miễn phí – một động thái có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm khách hàng và sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ.
Cú đánh mạnh vào chuỗi cung ứng
Mức thuế 25% không chỉ áp lên ô tô nhập khẩu mà còn bao trùm cả linh kiện ô tô – yếu tố sống còn của chuỗi sản xuất hiện đại. Điều này khiến chi phí sản xuất tăng vọt, tạo ra một “đại hải chiến” về giá trong toàn ngành, khi ngay cả những nhà máy nằm trên đất Mỹ cũng không thể tránh khỏi tác động do phụ thuộc vào linh kiện từ nước ngoài.
![]() |
Chính sách thuế của Tổng thống Trump đang làm ảnh hưởng đến ngành ô tô, đẩy hàng nghìn công nhân vào nguy cơ mất việc và khiến nhiều nhà máy tạm ngưng hoạt động. Ảnh minh hoạ |
Ông Antonio Filosa, Giám đốc Stellantis khu vực Bắc Mỹ, thừa nhận trong thư gửi nhân viên rằng hãng đang đánh giá tác động “trung và dài hạn” từ chính sách mới, nhưng việc ngừng sản xuất là điều không thể tránh khỏi trong giai đoạn hiện tại. Các dòng xe bị ảnh hưởng bao gồm Chrysler Pacifica, Dodge Charger Daytona EV, Jeep Compass và Wagoneer S EV – những sản phẩm chủ lực của hãng trong cuộc đua xe điện toàn cầu.
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Chuyên gia phân tích cho rằng, mức thuế cao sẽ đẩy giá xe tăng mạnh, làm chậm quá trình điện khí hóa ngành ô tô và có thể kéo lùi đà phát triển của toàn thị trường. Người tiêu dùng, cuối cùng, sẽ là bên gánh chịu thiệt hại khi giá thành sản phẩm tăng và nguồn cung khan hiếm.
Trong bối cảnh đó, giới quan sát nhận định chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump không đơn thuần là một biện pháp kinh tế, mà là một phép thử cam go cho toàn ngành công nghiệp ô tô. Dù là các hãng đã đầu tư mạnh vào bản địa hóa sản xuất hay những “ông lớn” có mặt ở Mỹ hàng chục năm, thì cơn địa chấn lần này cũng đủ khiến tất cả phải tái cấu trúc chiến lược toàn cầu.
Cuộc chiến thương mại mà Mỹ đang theo đuổi đã bước vào giai đoạn khốc liệt hơn bao giờ hết. Câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu các hãng xe có đủ sức vượt qua “cơn bão thuế quan” hay sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng sa thải lan rộng? Câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.