Sau hai năm kinh doanh khó khăn, năm 2024 đánh dấu bước ngoặt với Tổng CTCP Thép Việt Nam (VNSTEEL, mã TVN) khi ghi nhận khoản lãi sau thuế 310 tỷ đồng, chính thức thoát lỗ. Tuy nhiên, bước sang 2025, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 34.000 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2024; lợi nhuận trước thuế dự kiến 280 tỷ đồng, giảm 22% so với năm trước.

Theo ban lãnh đạo, đây là kế hoạch mang tính thận trọng, được xây dựng trong bối cảnh ngành thép đối mặt với nhiều rủi ro tiềm tàng.

Ngoài các kế hoạch tái cấu trúc, thoái vốn công ty con và phương án chia cổ tức, những câu chuyện về thị phần, áp lực cạnh tranh, cùng rủi ro từ phòng vệ thương mại cũng là những chủ đề nóng được cổ đông quan tâm tại đại hội.

Lãnh đạo doanh nghiệp thép lớn cảnh báo hiện tượng lẩn tránh thuế HRC sau động thái từ Bộ Công Thương
Kết quả kinh doanh của VNSTEEL 4 năm gần nhất

Đánh giá về sức cạnh tranh thị trường trong nước khi xuất khẩu gặp nhiều rào cản mới, ông Nghiêm Xuân Đa - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNSTEEL - cho biết: "Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 12 triệu tấn thép. Lớn nhất là thị trường ASEAN chiếm 26%, thị trường EU chiếm 22% và Mỹ chiếm 13%. Riêng thị trường Mỹ, sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trong đó sản phẩm tôn chiếm hơn 700.000 tấn".

Với những diễn biến mới về thuế quan, ông Đa thừa nhận xuất khẩu thép vào Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo ông, có hai xu hướng chính đang hình thành: "Một là, dòng hàng xuất khẩu sẽ dịch chuyển sang các thị trường khác, trong đó ASEAN được xem là thị trường trọng điểm. Năm vừa rồi, chúng ta đã xuất sang ASEAN 3,3 triệu tấn và vẫn còn dư địa để tiếp tục gia tăng sản lượng. Hai là, các doanh nghiệp cũng sẽ tìm cách mở rộng xuất khẩu sang các khu vực mới như Trung Đông và châu Phi".

Nhờ đó, áp lực dư cung tại thị trường nội địa, dù có, nhưng "sẽ không quá lớn như lo ngại ban đầu".

Dẫu vậy, VNSTEEL cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong ngắn hạn, áp lực cạnh tranh nội địa sẽ gia tăng khi các thị trường mới chưa thể hấp thụ hết sản lượng. Để thích ứng, doanh nghiệp xác định chiến lược tiếp tục giữ vững thị phần trong nước, chủ động cạnh tranh, đồng thời tối ưu chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm, tăng cường quản trị chi phí và gia tăng sản lượng. Bên cạnh đó, công ty cũng mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt với EU.

Liên quan đến tình hình nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau khi Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời từ ngày 14/2/2025 với mức thuế dao động 19,38%–27,85% đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Đa cho biết, thị trường xuất hiện hiện tượng lẩn tránh thuế.

"Trong 3 tháng đầu sau khi áp thuế, chúng tôi quan sát thấy có hiện tượng Trung Quốc tìm cách né tránh. Cụ thể, họ dự kiến chuyển sang xuất khẩu những loại thép có khổ rộng hơn (thay vì cuộn phổ biến khoảng 1.800mm thì chuyển sang loại trên 2.000mm). Lý do là ở Việt Nam hiện chưa có nhà sản xuất nào làm ra thép cuộn cán nóng với khổ rộng như vậy, mà phổ biến chỉ sản xuất khổ từ 1.650mm đến 1.800mm",vị lãnh đạo thông tin.

Lãnh đạo doanh nghiệp thép lớn cảnh báo hiện tượng lẩn tránh thuế HRC sau động thái từ Bộ Công Thương
Ảnh minh họa
Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 11 triệu tấn thép từ Trung Quốc, trong đó riêng thép cuộn cán nóng (HRC) chiếm đến 7 triệu tấn, tương đương khoảng 67% lượng nhập khẩu từ nước này.

Để ứng phó, các đơn vị trong hệ thống VNSTEEL đang phối hợp thu thập chứng cứ, báo cáo lên Cục Phòng vệ Thương mại nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế. Tuy nhiên, cuộc chiến này không đơn giản, khi phía Trung Quốc cũng chủ động phản công. "Các hiệp hội thép Trung Quốc đã thuê luật sư phản bác lại, cho rằng việc thay đổi chủng loại thép là hợp lệ, không phải hành vi lẩn tránh thuế", ông Đa cho biết.

Đáng chú ý, lãnh đạo VNSTEEL thừa nhận: "Nếu Trung Quốc kết hợp thêm nhiều yếu tố kỹ thuật để thay đổi mã HS, hợp thức hóa giấy tờ thì việc kiểm soát sẽ càng khó khăn hơn... nên không thể lơ là".

Chính phủ Việt Nam cũng đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa và siết chặt giám sát trong tất cả các khâu thương mại và phòng vệ. Theo ông Đa, Việt Nam không thể thụ động, mà phải chủ động mở rộng các biện pháp kỹ thuật phòng vệ, bảo vệ ngành thép nội địa trước nguy cơ gian lận thương mại và tình trạng thép nước ngoài "đội lốt" Việt Nam để né thuế.