Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả khảo sát mức sống cư dân Việt Nam năm 2022. Theo đó, năm 2022 là năm đánh dấu sự khôi phục về kinh tế và tình hình đời sống dân cư. Sau 2 năm 2019 và 2020, thu nhập bình quân đầu người giảm liên tiếp do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 quay trở lại xu hướng tăng như các năm từ 2019 trở về trước.

Hiện nước ta đang phân chia thành 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 6 vùng này, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng). Vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,17 triệu đồng).

Đông Nam Bộ được chia thành 06 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh lân cận trực thuộc Trung ương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước
Ảnh minh hoạ

Vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước; có hệ thống khu, cụm công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ phát triển bậc nhất cả nước (chiếm 30,6%) gắn với các hành lang kinh tế.

Đây là khu vực có tỉ lệ đô thị hoá đứng đầu cả nước (67,3%), được phân bố tương đối hợp lý, diện mạo ngày càng hiện đại; trung tâm dịch vụ tài chính-ngân hàng, thương mại, logistics…; trung tâm về đào tạo, y tế, khoa học công nghệ.

Đông Nam Bộ là một trong hai vùng có mật độ dân cư lớn nhất của Việt Nam. Với diện tích 23.600km2, dân số hơn 18 triệu người, khu vực Đông Nam bộ đóng góp 32% GDP của cả nước. Năm 2023, Đông Nam bộ thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI, khẳng định vị thế vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước.

Hiện sản phẩm xuất khẩu của khu vực Đông Nam bộ có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, có các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…., theo số liệu từ Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.

Trước đó, theo kết quả rà soát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố đầu năm 2022, cả nước có 6 tỉnh, thành phố không có hộ nghèo gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh. Đặc biệt, Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương là 4 địa phương "trắng" cả hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Như vậy, tam giác kinh tế vùng Đông Nam Bộ là TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu không còn hộ nghèo, cận nghèo.

Theo một thống kê khác từ Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022, địa phương có thu nhập bình quân tháng mỗi lao động của doanh nghiệp đang hoạt động cao nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu với 12 triệu đồng; TP HCM đứng thứ hai với 10,9 triệu đồng. Bình Dương đứng thứ 6, có thu nhập bình quân lao động ở mức 9,8 triệu đồng.