Sau tuần giảm điểm trước đó, thị trường chứng khoán hồi phục tương đối tích cực cả về điểm số lần thanh khoản trong tuần từ 11-15/3. Dòng tiền tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt ở nhóm bán lẻ, dầu khí, vận tải biển và bất động sản - xây dựng.

Đóng cửa tuần, VN-Index tăng 16,4 điểm (+1,32%) lên 1.263,8 điểm. Thanh khoản sàn HOSE đạt hơn 25.200 tỷ đồng/phiên; HNX-Index tăng 3,2 điểm (+1,36%) lên mức 239,5.

Lo ngại VN-Index tạo mô hình 2 đỉnh giống tháng 9/2023
Giai đoạn nửa sau tháng 9 đến cuối tháng 10/2023, VN-Index từng ghi nhận nhịp giảm hơn 200 điểm sau khi tạo mô hình 2 đỉnh

Sau khi bảo vệ thành công ngưỡng hỗ trợ MA20 (1.230-1.234 điểm), chỉ số đại diện thị trường hiện đang giao dịch sát vùng kháng cự 17 tháng (ngưỡng 1.270-1.280 điểm).

Cùng với diễn biến phân hóa ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, khối ngoại cũng trở thành lực cản khi bán ròng tới 2.850 tỷ đồng trong tuần qua (bao gồm 2.606 tỷ đồng trên HoSE, 88 tỷ trên HNX và 152 tỷ đồng trên sàn UPCoM). Chỉ tính riêng phiên cuối tuần, nhóm này đã rút hơn 1.300 tỷ ra khỏi thị trường.

Tuần qua, sau hai phiên tăng mạnh các ngày 12-13/3, thị trường điều chỉnh trở lại trong 2 phiên cuối tuần qua đó nhanh chóng mất mốc 1.270 điểm. Trong bối cảnh thị trường đón nhận nhiều thông tin như diễn biến lạm phát Mỹ hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành tín phiếu hút hàng chục nghìn tỷ đồng tiền về, nhiều ý kiến bắt đầu lo ngại về một bull-trap và tạo mô hình 2 đỉnh.

Theo ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, lo lắng trên hoàn toàn có cơ sở. Kỹ thuật thị trường hiện đã phát đi một số tín hiệu cảnh báo như: VN-Index đang tạo phân kỳ giữa giá và RSI (thường xuất hiện khi thị trường tạo mô hình 2-3 đỉnh); chỉ số đã xuất hiện quanh 3 phiên phân phối và 1 phiên phân phối mạnh vào ngày 8/3 cũng như đang gặp vùng kháng cự mạnh hợp lưu bởi fibo 61.8 và vùng đỉnh tháng 9/2022.

Dù vậy, rủi ro thị trường tạo 2 đỉnh ở vùng điểm số hiện tại đã giảm đi nhiều. Việc VN-Index có lặp lại kịch bản cuối tháng 9/2023 hay không phụ thuộc lớn vào mức độ hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước (hiện mới chỉ ở mức 75.000 tỷ đồng).