Giống như Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG), tại ĐHCĐ thường niên vừa kết thúc, lãnh đạo CTCP May Sông Hồng (MSH) cũng dành nhiều thời gian chia sẻ về những khó khăn mà ngành dệt may đã, đang và sẽ phải đối mặt, đặc biệt là câu chuyện thuế quan Mỹ từ đầu tháng 4/2025.
May Sông Hồng - một cái tên kỳ cựu của ngành dệt may trên sàn HoSE - đang bước vào giai đoạn thử thách lớn trong hành trình phát triển. Công ty hiện có vốn điều lệ hơn 750 tỷ đồng, quy mô tài sản đến cuối năm 2024 đạt 4.520 tỷ đồng. Với gần 11.400 nhân sự, thu nhập bình quân đạt 12,7 triệu đồng/người/tháng trong năm 2024, tăng 2,3 triệu đồng so với năm trước – con số cho thấy nỗ lực chăm lo đời sống người lao động giữa bộn bề biến động.
![]() |
Nguồn: BCTN 2024 của May Sông Hồng |
Tiếp tục mục tiêu tăng trưởng, cổ tức 30-45% bằng tiền
Năm qua, May Sông Hồng đạt gần 5.300 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 442,5 tỷ đồng – những mốc cao Top đầu trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Bước sang 2025, MSH đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng, với doanh thu kỳ vọng 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 4% và gần 11% so với năm trước. Công ty cũng giữ kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 30-45%, đồng thời dự kiến tăng vốn bằng phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1.
Tuy nhiên, "cơn bão" thuế quan từ Mỹ đang phủ bóng lên toàn ngành dệt may Việt Nam. Phát biểu tại ĐHCĐ, ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch May Sông Hồng - thẳng thắn cho biết: "Khó có doanh nghiệp nào có thể tồn tại với mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ đưa ra. Không chỉ các nhà sản xuất Việt Nam, nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho chuỗi dệt may mà cả các nhà nhập khẩu Mỹ cũng phá sản".
Trước sức ép này, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có May Sông Hồng, đang đặt kỳ vọng vào năng lực thương thuyết của Chính phủ Việt Nam. Song song, bản thân doanh nghiệp cũng chủ động điều chỉnh để thích ứng: tổ chức lại sản xuất, tiết kiệm chi phí và chuẩn bị chiến lược đầu tư nguyên phụ liệu.
"MSH đang tính toán liên doanh đầu tư cả lĩnh vực dệt vải để tự chủ một phần nguyên liệu. Với chuỗi cung ứng dệt may gồm nhà cung cấp – nhà sản xuất - nhà nhập khẩu, chúng tôi đang làm việc để thống nhất chia sẻ rủi ro tăng thuế. Mỗi nhà sẽ cần giảm đi một phần lợi nhuận, san sẻ khó khăn dù theo hợp đồng, nhà nhập khẩu phải gánh tất cả. Tôi tin, chúng ta sẽ vượt qua cơn bĩ cực này", ông Thịnh chia sẻ.
Ông nhấn mạnh thêm: "Lịch sử MSH có nhiều giai đoạn vô cùng gian truân song cùng nhau, chúng ta đã vượt qua. Chắc chắn lần này cũng vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng vào Ban điều hành công ty." Với tinh thần ấy, ông Thịnh khẳng định cam kết: "Dù thương trường có khắc nghiệt đến đâu, May Sông Hồng cũng ưu tiên giữ được công nhân (hiện khoảng 12.000 người), đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho họ. Còn công nhân là còn nhà máy".
![]() |
Chủ tịch HĐQT May Sông Hồng - ông Bùi Đức Thịnh |
Khó khăn là cơ hội, không lo chuỗi cung ứng dịch khỏi Việt Nam
Trong khó khăn, MSH vẫn nhận thấy những cơ hội mới. Ông Bùi Việt Quang - Tổng Giám đốc May Sông Hồng - chia sẻ, hiện tại, nhiều khách hàng từng nhập hàng từ Trung Quốc đang buộc phải dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam. "Các đơn hàng dành cho Trung Quốc chuyển về Việt Nam khá nhiều nên cũng là cơ hội tốt cho MSH", ông nói.
Dù vậy, ông Quang cũng chỉ rõ những giới hạn. Khách hàng Mỹ hiện chiếm 70% thị phần của MSH. Công ty có thể hỗ trợ khách hàng 1-2% phần thuế đội lên, nhưng việc chuyển hướng thị trường không dễ dàng. "MSH phát triển thêm khách hàng châu Âu nhưng họ cũng là những nhà phân phối lớn vào Mỹ nên việc dịch chuyển thị trường khó có thể nhanh. Chưa kể, dung lượng các thị trường khác cũng như tỷ suất lợi nhuận không thể tốt bằng thị trường Mỹ", ông cho biết.
Nếu hướng tới các thị trường mới như Trung Đông, MSH đặc biệt chú trọng đánh giá năng lực tài chính của đối tác. Ông Quang nhấn mạnh: "Nếu xuất hàng sang các thị trường mới như Trung Đông, MSH đặc biệt coi trọng tính thanh khoản, khả năng thanh toán. Cụ thể, khách hàng có tình hình tài chính ra sao, khả năng thanh toán thế nào, nếu xuất hàng mà không nhận được tiền kịp thời, rủi ro sẽ rất lớn".
Trước mối lo về nguy cơ chuỗi cung ứng dệt may dịch chuyển khỏi Việt Nam nếu mức thuế không thuận lợi, ông Quang nhận định điều này khó xảy ra. Việt Nam có lực lượng lao động chăm chỉ, thông minh, khéo léo, cùng với môi trường đầu tư và chính trị ổn định - những lợi thế không dễ thay thế. "Chuỗi sản xuất như hiện nay MSH mất gần 10 năm xây dựng. Ngay như chúng tôi đầu tư nhà máy tại Ai Cập, giai đoạn 1 mới tuyển được 800 công nhân, đang phải đào tạo, nhanh cũng mất vài ba năm mới ổn định", ông dẫn chứng.
Trước sóng gió thị trường, May Sông Hồng vẫn kiên định với con đường đã chọn: kiên cường giữ vững lực lượng lao động, không ngừng cải thiện năng lực sản xuất và tìm kiếm cơ hội từ chính những thách thức.