Hình ảnh cây mơ lông bò leo trên giàn tre, mọc ven đường là điều quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt lớn lên ở nông thôn. Loài cây này có lá hình tim hoặc bầu dục, gân lá rõ, mặt dưới thường phủ lớp lông mịn. Mơ lông mọc tốt quanh năm, không cần chăm bón, thậm chí sau một cơn mưa cũng có thể đâm chồi mạnh mẽ.
Trước đây, hầu như không ai bán lá mơ vì cây có thể hái dễ dàng từ hàng rào hoặc bờ bụi. Tuy nhiên, cùng với tốc độ bê tông hóa ở các vùng quê, những hàng rào sống dần bị thay thế bằng tường gạch, khiến cây mơ lông mất chỗ sinh trưởng. Tại một số vùng như Hà Nam hay Nghệ An, người dân phải “đi xin từng nắm” hoặc đặt mua từ các tiểu thương để có được món lá tưởng chừng như không thể thiếu trong các bữa ăn dân dã.
![]() |
Lá mơ lông từng quá phổ biến nên không ai bán. Ảnh minh họa |
Lá mơ lông thường được ăn kèm với thịt chó, hoặc chiên với trứng – món ăn giàu đạm và dễ tiêu, đặc biệt phổ biến ở miền Bắc. Nhiều người lớn tuổi vẫn còn nhớ bữa cơm nhà ngày xưa với món “trứng hấp lá mơ. Chỉ cần vài quả trứng gà ta, ít lá mơ thái nhỏ, thêm chút mắm muối, hấp cách thủy là đã có ngay món ăn thơm bùi, béo ngậy.
Không chỉ dừng lại ở giá trị ẩm thực, lá mơ còn là vị thuốc dân gian quen thuộc. Theo y học cổ truyền, lá có vị đắng, mát, hơi cay, có tác dụng tiêu thực, sát trùng, thanh nhiệt, giải độc, giảm đau. Loại lá này thường được dùng để hỗ trợ điều trị các chứng tiêu chảy, kiết lỵ, ho đàm, đầy hơi, đại tiện ra máu hay phong thấp. Một số tài liệu Đông y còn nhấn mạnh tác dụng ích tinh, bổ khí, rất tốt cho người thể trạng yếu hoặc suy nhược.
Tuy nhiên, các chuyên gia y học khuyến cáo chỉ nên xem lá mơ như một dược liệu hỗ trợ. Việc dùng để chữa bệnh cần tham khảo ý kiến thầy thuốc, nhất là với người có cơ địa nhạy cảm. Trước khi ăn, nên ngâm lá trong nước muối loãng khoảng 20–30 phút để khử khuẩn.