Theo TTXVN, bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi, tình hữu nghị Việt Nam – Cuba vẫn không ngừng được củng cố thông qua những dự án hợp tác cụ thể, tiêu biểu là mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao tại tỉnh Camagüey.

Dự án là minh chứng sống động cho mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, không chỉ góp phần nâng cao năng suất nuôi trồng thủy sản mà còn mở ra hướng đi bền vững cho ngành thủy sản Cuba trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn.

Chu kỳ sản xuất đầu tiên được triển khai từ năm 2024 đã mang lại kết quả ấn tượng. Sau 121 ngày, 5 hồ nuôi thí điểm tại khu vực Santa Cruz del Sur, tỉnh Camagüey đã thu hoạch 20 tấn tôm, đạt năng suất 4 tấn/ha – con số đáng khích lệ trong bối cảnh ngành thủy sản Cuba đang gặp nhiều khó khăn.

Thành công bước đầu này có sự đóng góp không nhỏ của 4 kỹ sư Việt Nam, những người đã sát cánh cùng đội ngũ kỹ thuật viên Cuba từ những ngày đầu triển khai dự án.

Loài vật mang về 4 tỷ USD mỗi năm được Việt Nam đưa sang Cuba để giúp nước này vượt qua khó khăn
Ảnh minh hoạ: Dự án nuôi tôm là minh chứng sống động cho mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia. Ảnh: Internet

Trên cơ sở kết quả tích cực, hai bên đang xúc tiến mở rộng mô hình lên quy mô 10ha tại Camagüey, đặt mục tiêu đạt sản lượng 45 tấn trong nửa cuối năm 2025. Toàn bộ quy trình nuôi tôm hiện đại của Việt Nam đang được áp dụng đồng bộ, từ hệ thống sục khí và lọc nước tiên tiến đến chế độ chăm sóc bằng thức ăn chất lượng cao.

Ông Miguel Antonio Manso Díaz, Trưởng bộ phận sản xuất thuộc Đơn vị Cơ sở Cultisur, Santa Cruz del Sur, cho biết: “Chu kỳ sản xuất thứ hai bắt đầu từ cuối tháng 4 với diện tích 5 ha. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng 10/30 hồ nuôi với mật độ thả 100 con/m², hướng tới năng suất 900-1.000 kg/ha”.

Không chỉ dừng lại ở Camagüey, mô hình hợp tác này đang được nhân rộng tại các tỉnh trọng điểm như Villa Clara ở miền Trung và Pinar del Río tại miền Tây Cuba.

Dự án không chỉ hỗ trợ tăng năng suất mà còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ toàn diện, từ kỹ thuật nuôi trồng đến quản lý sản xuất, giúp Cuba vượt qua phần nào những thách thức từ cấm vận kéo dài.

Thách thức lớn nhất không còn là khoảng cách hay rào cản ngôn ngữ, mà là làm sao để mở rộng mô hình trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Câu trả lời chính là tinh thần “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” của các chuyên gia Việt Nam và Cuba.

Những buổi tập huấn “cầm tay chỉ việc”, những đêm thức trắng điều chỉnh hệ thống, hay những lần cùng thử nghiệm thức ăn mới – tất cả đã trở thành chất keo gắn kết cho thành công hôm nay.

Dự án hợp tác này đang mở ra kỳ vọng mới cho ngành thủy sản Cuba – không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, mà còn tạo công ăn việc làm và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Với sự đồng hành của chuyên gia Việt Nam, “giấc mơ con tôm xóa đói” đang dần trở thành hiện thực.

Cuba đang tiến từng bước vững chắc trên hành trình làm chủ công nghệ nuôi tôm hiện đại, hướng tới mục tiêu phát triển thủy sản bền vững và tự chủ. Thành công của dự án một lần nữa khẳng định sức sống mãnh liệt của mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Cuba, đồng thời mở ra chương mới cho hợp tác kinh tế - kỹ thuật song phương trên tinh thần cùng phát triển, cùng sẻ chia.

Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư, tính đến năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong ba quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới với kim ngạch vượt 10 tỷ USD.

Trong đó, ngành tôm giữ vai trò then chốt suốt hai thập kỷ qua, đóng góp ổn định 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản mỗi năm, tương đương khoảng 3,5-4 tỷ USD.