Theo thông tin từ Chi cục Hải quan khu vực 2, từ ngày 3 đến 16/4, 14 tờ khai xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đã bị hủy với tổng trị giá gần 533.000 USD (tương đương khoảng 14 tỷ đồng). Trong đó, các nhóm ngành bị ảnh hưởng chủ yếu là may mặc, linh kiện điện tử, vali và túi xách.

Chỉ trong 3 ngày đầu sau khi Mỹ thông báo áp thuế (từ 5-8/4), 3 tờ khai đã bị hủy, trị giá gần 138.000 USD. Đáng chú ý, riêng ngày 17/4, 1 tờ khai xuất khẩu thực phẩm với giá trị gần 290.000 USD – chiếm tới 53% tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ trong ngày - cũng bị hủy.

Theo Chi cục Hải quan khu vực 2 nhận định, thị trường Mỹ nhiều năm qua vẫn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của TP. HCM. Mặc dù xuất khẩu sang Mỹ đang gặp khó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn xác định đây là thị trường chiến lược, đồng thời chủ động thích ứng với diễn biến mới.

Theo Báo Tuổi Trẻ, ngày 21/4, đại diện Công ty cổ phần Hoàng Khải Thịnh (Bình Phước) – doanh nghiệp xuất khẩu điều với Mỹ là thị trường chủ lực - cho biết, công ty vẫn tiếp tục theo đuổi thị trường này nhưng bằng nhiều hướng đi linh hoạt.

"Trong tháng 4, tôi có 4 container điều xuất đi Mỹ thông qua đối tác lâu năm. Trước bối cảnh áp thuế, chúng tôi chuyển hướng bán cho các đối tác Mỹ có nhà máy đặt tại Việt Nam để tránh rủi ro", vị đại diện chia sẻ. "Hôm nay là ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh của phía Mỹ, tôi tiếp tục chuẩn bị xuất vài container điều đi Mỹ. Khách hàng vẫn chấp nhận giá cao nếu chất lượng đảm bảo, vì vậy chúng tôi vẫn tự tin", đại diện công ty nói thêm.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA), cho rằng, hiện chưa ghi nhận tình trạng nhiều doanh nghiệp gỗ bị hủy đơn hàng do thuế. "Các nhà máy gỗ tại Việt Nam vẫn đủ năng lực bù đắp khoảng 20-30% công suất xuất khẩu sang Mỹ. Việc hủy đơn nếu có chỉ nhằm mục đích chờ đàm phán lại mức thuế chứ không phải ngừng hợp tác", ông Khanh nhấn mạnh.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. HCM (Agtek) cho biết, ngành dệt may không ghi nhận làn sóng hủy đơn hàng do Mỹ áp thuế. "Thị trường Mỹ vẫn chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Các doanh nghiệp đang tận dụng giai đoạn này để tái cơ cấu, khắc phục điểm yếu, đồng thời đa dạng hóa thị trường và mở rộng mạng lưới khách hàng nhỏ lẻ nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững".