Ngay trước thềm mùa báo cáo tài chính quý II/2025, giới đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu tài chính – nhóm được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhờ tín dụng hồi phục, chi phí vốn được kiểm soát và nền so sánh thấp của cùng kỳ.

Trong bối cảnh đó, nhiều công ty chứng khoán như SSI, ACBS… đều đồng thuận, đưa ra đánh giá “cổ phiếu vua” là nhóm có tiềm năng tăng giá lớn trong nửa cuối năm – với hai trụ cột then chốt: Định giá hấp dẫn và biên lãi ròng (NIM) được cải thiện.

‘Cổ phiếu vua’ đang ở vùng giá rẻ hấp dẫn

Theo SSI Research, các ngân hàng đang giao dịch quanh mức P/B dự phóng 1 năm là 1,1x, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử 1,68x kể từ năm 2017.

Với vùng giá hiện tại, cổ phiếu ngân hàng đang mang lại mức upside hấp dẫn, tạo biên an toàn cho các quyết định đầu tư trung – dài hạn. Đây là điều hiếm có trong bối cảnh mặt bằng định giá của nhiều nhóm ngành khác đã phản ánh phần lớn kỳ vọng phục hồi.

Lựa chọn ‘cổ phiếu vua’ hấp dẫn cho nửa cuối năm 2025

Rõ ràng, đây là vùng định giá chưa tương xứng với tiềm năng tăng trưởng thực chất của nhiều ngân hàng. Điển hình như HDBank (HDB), ngân hàng duy nhất trên thị trường có chuỗi 12 năm tăng trưởng lợi nhuận liên tục, ROE duy trì mức trên 24%, thuộc nhóm cao nhất hệ thống. Hay MB (MBB) – ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng thuộc Top đầu ngành nhờ nền tảng khách hàng SMEs và số hóa, Big Data, được đánh giá có khả năng cân bằng hiệu quả giữa tăng trưởng và quản trị rủi ro.

Như vậy, với định giá hiện tại, nhiều cổ phiếu vua đang được khuyến nghị tăng giá hấp dẫn, tạo khả năng sinh lời hiệu quả cho nhiều nhà đầu tư trung–dài hạn.

Khả năng duy trì biên lãi ròng ở mức cao (NIM)

Một trong những yếu tố đang được các CTCK yêu thích lựa trong việc lựa chọn cổ phiếu là triển vọng mở rộng biên lãi ròng (NIM) – thước đo lợi suất tài sản cốt lõi. Theo các chuyên gia, các ngân hàng có chi phí vốn thấp, và tỷ trọng cho vay bán lẻ, tiêu dùng cao như sẽ là những nhà băng có cổ phiếu tăng trưởng bền vững trong nửa cuối năm 2025.

Lựa chọn ‘cổ phiếu vua’ hấp dẫn cho nửa cuối năm 2025

Theo thống kê quý I/2025, VPBank, HDBank và MB đang dẫn đầu toàn ngành về chỉ số NIM, vượt xa mức trung bình hệ thống (0,73%). Mặc dù mặt bằng lãi suất thấp đã thu hẹp NIM của hầu hết các ngân hàng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng khả năng duy trì NIM ở mức cao cho thấy nền tảng vốn rẻ và cấu trúc tín dụng sinh lời tốt của nhóm ngân hàng này vẫn được bảo toàn.

Đây là nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tiêu dùng cao – 2 phân khúc vốn được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh từ quý III/2025 khi thị trường nội địa khởi sắc trở lại, đặc biệt nhờ các chính sách nới lỏng tín dụng, kích cầu tiêu dùng và sự hỗ trợ từ gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội. Việc lãi suất cho vay tiêu dùng và bất động sản cá nhân vẫn duy trì ở mức thấp 5,5–7%, kết hợp với chính sách luật hóa Nghị quyết 42 giúp đẩy nhanh xử lý tài sản bảo đảm, sẽ là những yếu tố nền tảng để nhóm ngân hàng này mở rộng dư nợ và cải thiện lợi suất tài sản trong nửa cuối năm.

Bên cạnh các ngân hàng thương mại, EVNFinance (EVF) – dù hoạt động theo mô hình tổ chức tài chính – cũng đang nổi lên như một đại diện tiềm năng trong nhóm có khả năng duy trì biên NIM ổn định và hưởng lợi từ chu kỳ phục hồi tín dụng. NIM của EVF đạt 0,78% trong quý I/2025, thấp hơn nhóm ngân hàng top đầu nhưng vẫn cao hơn mặt bằng chung của các công ty tài chính tương đồng, nhờ tỷ trọng cho vay cá nhân và phân khúc có lợi suất cao được mở rộng.

Điểm mạnh của EVF đến từ chiến lược tinh gọn và khả năng kiểm soát chi phí vốn hiệu quả, đồng thời không chịu áp lực từ trái phiếu doanh nghiệp như nhiều tổ chức tín dụng khác. Với chất lượng tài sản lành mạnh (nợ xấu chỉ 0,79%) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 134,9%, EVF được nhiều công ty chứng khoán đánh giá là có dư địa tăng trưởng lợi nhuận ổn định, đặc biệt khi thị trường tiêu dùng và bất động sản cá nhân khởi sắc trở lại. Trong bối cảnh mặt bằng định giá còn thấp (P/B chỉ quanh 0,85 lần), EVF đang nằm trong tầm ngắm của dòng vốn tìm kiếm cổ phiếu có nền tảng tốt nhưng chưa được định giá lại tương xứng.