Giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2025 đã ghi nhận mức tăng trưởng tới 40% so với cùng kỳ năm trước – con số được xem là đột biến trong bối cảnh nhiều năm trở lại đây, tiến độ giải ngân thường bị chậm trễ do vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính.

Theo đánh giá từ ông Michael Kokalari – Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, mức tăng này là một trong những tín hiệu tích cực đầu tiên cho thấy các cải cách toàn diện của Việt Nam trong khu vực công và tư đang phát huy tác dụng. Mục tiêu của các cải cách này là nhằm nâng cao tiềm năng tăng trưởng GDP trong dài hạn, đặc biệt thông qua việc tăng cường vai trò của khu vực tư nhân, tinh giản bộ máy nhà nước và loại bỏ những điểm nghẽn đang làm giảm hiệu quả kinh tế.

Cải cách hành chính – vốn là một trong những rào cản lớn khiến tiến độ giải ngân chậm chạp trong nhiều năm – đang dần được tháo gỡ. Từ đầu năm đến nay, quy trình phê duyệt và triển khai dự án đã được tinh giản đáng kể ở cả cấp trung ương lẫn địa phương. Một loạt biện pháp phân cấp mạnh tay đã được Quốc hội thông qua, cho phép chính quyền địa phương chủ động hơn trong phê duyệt các dự án có quy mô lớn như sân bay hoặc khu đô thị trên 50 ha – những trường hợp trước đây buộc phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Đặc biệt, giải ngân đầu tư công tại cấp tỉnh đang tăng tốc rõ rệt, với mức tăng vượt 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số địa phương đang triển khai đồng thời việc sáp nhập đơn vị hành chính và cải cách thủ tục nội bộ, từ đó đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và giải ngân dự án. Nhận thức ngày càng cao về vai trò của đầu tư công trong thúc đẩy tăng trưởng địa phương cũng giúp các cấp chính quyền tích cực hơn trong việc triển khai dự án trọng điểm.

Một điểm nhấn quan trọng trong quá trình cải cách là việc tái cấu trúc hệ thống Kho bạc Nhà nước. Việc sáp nhập 63 kho bạc cấp tỉnh thành 20 kho bạc cấp khu vực, đồng thời loại bỏ cấp huyện, đã góp phần giảm đầu mối và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Các nhà thầu hiện có thể nộp hồ sơ thanh toán trực tuyến thay vì gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện như trước đây. Nhờ đó, thời gian giải ngân vốn được rút ngắn xuống chỉ còn 1–3 ngày.

Lý do vốn đầu tư công của Việt Nam tăng vọt 40%
Sân bay Long Thành trị giá 13 tỷ USD đang được đẩy nhanh tiến độ. (Ảnh minh họa)

Không chỉ các địa phương, hàng loạt dự án hạ tầng quy mô quốc gia cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Theo thống kê của VinaCapital, thời gian khởi công và hoàn thành các công trình lớn như sân bay Long Thành (tổng vốn 13 tỷ USD), đường vành đai Hà Nội và TP.HCM (cũng khoảng 13 tỷ USD), và tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (8,4 tỷ USD) đều đã được rút ngắn tới ba năm so với kế hoạch ban đầu.

Về mặt tài khóa, Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đầu tư công. Nợ công hiện duy trì ở mức dưới 40% GDP – tương đối an toàn so với chuẩn quốc tế, trong khi thặng dư ngân sách trong 5 tháng đầu năm nay đã vượt 5% GDP. Ngoài ra, vẫn còn hơn 45 tỷ USD vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng chưa được giải ngân, cho thấy dư địa rất lớn để tiếp tục mở rộng chi tiêu phát triển.

Tuy nhiên, theo chuyên gia của VinaCapital, nguồn vốn dồi dào không phải là vấn đề, mà điểm nghẽn lớn nhất trong quá khứ chính là quy trình pháp lý và thủ tục rườm rà. Do đó, để duy trì được đà giải ngân mạnh mẽ trong thời gian tới, việc tiếp tục cải cách thể chế và tăng cường năng lực thực thi ở các cấp là điều kiện tiên quyết.