Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, VN-Index giảm 19,17 điểm (tương đương 1,56%) còn 1.210,67 điểm. Dù chỉ số tiếp tục đi xuống, thanh khoản toàn thị trường lại lập kỷ lục mới với hơn 1,8 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng 42.208 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD).
Áp lực tâm lý tiêu cực vẫn đè nặng sau thông tin Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký Sắc lệnh áp thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Đây là yếu tố khiến VN-Index chao đảo trong phiên 3/4 với mức giảm gần 88 điểm.
Sang phiên hôm nay, đà bán tháo tiếp tục xuất hiện từ đầu phiên, có lúc khiến chỉ số giảm hơn 70 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã dần quay lại giúp thị trường thu hẹp đà giảm.
Trong phiên sáng, nhóm ngân hàng tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh với tổng giá trị giao dịch đạt 8.141 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến vẫn phân hóa khi chỉ có 4 mã giữ được sắc xanh gồm: BAB (+4,72%), SSB (+2,14%), VBB (+1,5%) và LPB (+0,16%). Cổ phiếu PGB giữ giá tham chiếu. Toàn sàn ghi nhận tới 206 mã giảm sàn, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 2.545 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Bước sang phiên chiều, thị trường tích cực hơn nhờ dòng tiền bắt đáy mạnh mẽ, đặc biệt ở nhóm ngân hàng. LPB bất ngờ tăng kịch trần lên 32.950 đồng/cổ phiếu – một cú đảo chiều ngoạn mục so với vùng giá 29.000 đồng đầu phiên. Thanh khoản mã này cũng tăng vọt với hơn 9,4 triệu cổ phiếu được sang tay, tương ứng 292 tỷ đồng.
Nhiều mã ngân hàng khác cũng lấy lại sắc xanh như: PGB (+10,3%), VBB (+5,9%), NVB (+5,66%), SHB (+2,99%), BAB (+2,83%), SSB (+2,67%), STB (+2,33%), NAB (+1,56%) và VIB (+0,54%).
![]() |
Trước diễn biến chính sách thuế từ phía Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 713/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt để tăng cường hợp tác và chủ động thích ứng với thay đổi trong chính sách kinh tế - thương mại của Mỹ. Đồng thời, Thủ tướng cũng đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành liên quan để đề ra giải pháp ứng phó. Bộ Công Thương đã gửi công hàm đề nghị Hoa Kỳ xem xét tạm hoãn quyết định áp thuế.
Theo đánh giá của VinaCapital, mặc dù sắc lệnh thuế có ảnh hưởng đến một số nhóm ngành như hóa chất, tiêu dùng, thực phẩm, thép, nhưng các nhóm này chỉ chiếm 5,5% vốn hóa VN-Index. Tác động tổng thể đến chỉ số là không quá lớn. VinaCapital vẫn duy trì dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt 15-17% trong năm 2025.
Ngoài ra, hệ thống giao dịch mới KRX dự kiến được triển khai vào tháng 5/2025 cùng kỳ vọng nâng hạng thị trường vào tháng 9/2025 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư.
Dragon Capital cho biết, từ cuối năm 2024 đến nay, quỹ DCDS đã chủ động nâng tỷ trọng tiền mặt từ 3% lên gần 18% để chuẩn bị sẵn sàng giải ngân khi thị trường điều chỉnh sâu. Chiến lược đầu tư được đánh giá là kỷ luật và linh hoạt.
Hiệu suất tích lũy 5 năm của quỹ DCDS đạt 166,5%, vượt 69,2% so với VN-Index. Quỹ DCDE cũng có mức tăng trưởng ấn tượng 145,7% trong cùng kỳ. Các quỹ trái phiếu như DCBF và DCIP tăng lần lượt 1,6% và 1,3% trong quý I, đều vượt lãi suất tiết kiệm.
Các chuyên gia Dragon Capital khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân nên giữ chiến lược dài hạn và kiên định, vì những biến động ngắn hạn do yếu tố bên ngoài như chính sách thuế sẽ mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu cơ bản tốt với định giá hấp dẫn.