Theo đó, ngày 15/4, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum sẽ có cuộc họp bàn về việc sáp nhập hai tỉnh. Cuộc họp được tổ chức tại trụ sở Huyện ủy Kon Plông, thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum.

Để chuẩn bị cho cuộc họp, Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Kon Tum giao Ban Chỉ đạo về tổng kết nghị quyết 18 và triển khai thực hiện kết luận số 137 của Bộ Chính trị của hai địa phương chuẩn bị nội dung, tài liệu phục vụ buổi làm việc.

Quảng Ngãi là tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ của Việt Nam có diện tích 5.000 km2. Tỉnh Quảng Ngãi tái lập vào ngày 1/7/1989 trên cơ sở tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Tỉnh Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Chính phủ chọn khu vực Dung Quất để xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ngãi đạt khoảng 45,75 triệu tấn, chủ yếu là hàng khô với 33,39 triệu tấn (chiếm khoảng 72,97% thị phần), còn lại là hàng lỏng.

Một địa phương mới sau khi sáp nhập sẽ có cửa khẩu quốc tế và nhiều bến cảng quan trọng
Ảnh minh họa - Nguồn: VGP

Theo quy hoạch, cảng biển Quảng Ngãi gồm khu bến Dung Quất, bến cảng Sa Kỳ, bến cảng Mỹ Á, bến cảng Bến Đình (đảo Lý Sơn) và các bến cảng tiềm năng khác theo quy hoạch khu kinh tế Dung Quất phục vụ giao lưu giữa đất liền với đảo Lý Sơn và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; các khu neo đậu, khu chuyển tải, tránh bão.

Đến năm 2030, cảng biển Quảng Ngãi sẽ có tổng cộng 11 bến cảng và thông qua khoảng 1,13 - 1,26 triệu hành khách, khoảng 47,20 - 48,20 triệu tấn hàng hóa.

Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển đáp ứng cho lượng hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 4,5%/năm đến 5,5%/năm. Đồng thời, tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.

Nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, Kon Tum là cửa ngõ kết nối quan trọng với các nước Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, Kon Tum còn là điểm kết nối trung chuyển trên trục Đông - Tây, núi - biển đến các cảng biển khu vực duyên hải Trung bộ thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Kon Tum nằm ở phía Bắc của khu vực Tây Nguyên có diện tích gần 10.000 km2. Đây là tỉnh có diện tích nhỏ thứ hai ở Tây Nguyên, với địa hình chủ yếu là đồi núi, cao nguyên, xen kẽ một số vùng trũng nhỏ hẹp.

Là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời cùng những đặc sắc trong văn hóa đồng bào dân tộc, được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với nhiều thắng cảnh đẹp, Kon Tum đang dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài.