Đối tác hàng không chính thức của FIFA World Cup Qatar 2022 vừa công bố báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận ròng của hãng đạt 4,4 tỷ QAR (1,21 tỷ USD) trong năm tài chính vừa qua, với tổng doanh thu là 76,3 tỷ QAR (21,0 tỷ USD), tăng 45% so với năm trước .

Qatar Airways cũng chứng kiến lượng hành khách chuyên chở tăng 71%, đạt 31,7 triệu lượt. Riêng trong thời gian diễn ra World Cup 2022, hãng đã khai thác khoảng 140.000 chuyến bay đưa hơn 1,4 triệu lượt người đến nước này.

Theo CEO Akbar Al Baker, khả năng sinh lời được thúc đẩy nhờ doanh thu từ hành khách tăng 100% trong năm ngoái.

Trước khi diễn ra World Cup, đã có những nghi ngờ về khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho một giải đấu quốc tế từ một quốc gia nhỏ bé với dân số chỉ 3 triệu người. Tuy nhiên, Qatar đã giải quyết những lo ngại này bằng cách đầu tư khoảng 220 tỷ USD vào việc xây dựng mạng lưới giao thông và nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả trên khắp thế giới.

Dựa trên kết quả kinh doanh ấn tượng của Qatar Airways, nhiều người cho rằng AirFrance-KLM cũng có thể hưởng lợi tương tự từ khi trở thành đối tác chính thức của Thế vận hội Olympic và Paralympic 2024. Tập đoàn AirFrance-KLM cũng vừa báo doanh thu đạt 8 tỷ USD trong quý 2, tăng gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp bối cảnh lạm phát.

Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngờ về tính bền vững từ đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không. Theo Ryanair, hãng hàng không lớn nhất châu Âu tính theo số lượng hành khách, lạm phát cao và lãi suất tăng có thể gây cản trở đi lại bằng phương tiện này vào mùa thu và mùa đông tới.

Mặc dù Ryanair gần đây đã báo lợi nhuận đạt 735 triệu USD trong quý 2/2023. Song, CEO Michael O'Leary cho rằng hãng "lo ngại về tác động của những xu hướng kinh tế vĩ mô này."

Công ty có thể cần giảm giá vé để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng hành khách. Tuy nhiên, các hãng hàng không lớn vẫn chưa gặp khó khăn trong việc lấp đầy chỗ ngồi, với IAG (công ty mẹ của Aer Lingus và British Airways) báo cáo tỷ lệ lấp đầy chỗ ngồi là 84% và AirFrance-KLM là 87%.