Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, phía đông dãy Trường Sơn với 70% diện tích là đồi núi. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.023,4km2. Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp về kinh tế so với các tỉnh trong khu vực, Phú Yên có sự phát triển vượt bậc, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong tương lai.

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên sẽ trở thành nơi đáng sống cho người dân, nơi đáng ghé thăm cho khách du lịch với vị trí là một trung tâm kết nối giao thương của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên và hướng biển, phát triển ở trình độ thu nhập cao.

Lọt top 10 tỉnh, thành có tăng trưởng nhất năm

Năm 2023, "điểm sáng" của tỉnh Phú Yên chính là hoàn thành 16/17 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,16% vượt kế hoạch tỉnh giao (kế hoạch 8%), đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố cả nước có mức tăng trưởng tốt nhất.

Theo Cục Thống kê tỉnh Phú Yên, 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 đạt 9,16%; tổng vốn đầu tư phát triển hơn 24.018 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 250 triệu USD; giải quyết việc làm cho 29.576 lao động; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,88%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,04%; tỷ lệ lao động tham gia BHXH đạt 18,58%.

Đồng thời, địa phương có 9 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Chỉ tiêu duy nhất không đạt là thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.000 tỷ đồng (kế hoạch là 8.000 tỷ đồng).

Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, phục hồi kinh tế ở một số lĩnh vực còn chậm, thị trường bất động sản chưa khởi sắc. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt thấp, ước thực hiện 4.000/8.000 tỷ đồng (chỉ đạt 50% dự toán tỉnh giao, bằng 78,2% so với cùng kỳ); trong đó, nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất, ước đạt 1.000 tỷ đồng (đạt 19,7% dự toán tỉnh giao, bằng 52,9% so với cùng kỳ).

Năm 2023, Phú Yên đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư ra nước ngoài như Pháp, Nhật, Ấn Độ. Đồng thời, tỉnh đã tiếp, làm việc với nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó có các nhà đầu tư đề nghị tiếp cận nghiên cứu đề xuất đầu tư tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Tâm và Cảng Bãi Gốc.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ đến tỉnh hợp tác đầu tư, kinh doanh vào các lĩnh vực như: Lọc hóa dầu, công nghệ thông tin, đường sắt, hóa dược, KCN, khu công nghệ cao, hạ tầng cảng biển, năng lượng, du lịch dịch vụ... Phú Yên cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với các nhà đầu tư; tích cực hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án.

Trong khi đó, doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá, Phú Yên là một khu vực thu hút đầu tư mới và năng động. Ông Nagato Taiyo, Trưởng đại diện Tập đoàn Obayashi cho hay, tập đoàn đang thực hiện một dự án đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng về năng lượng xanh Hydrogen cả trong nước và quốc tế.

"Việt Nam là nơi mà tập đoàn muốn đẩy mạnh mảng năng lượng Hydrogen này và Phú Yên đang là tỉnh trong danh sách nơi đầu tư chiến lược của tập đoàn", ông Nagato Taiyo cho hay.

Một tỉnh lọt top 10 tăng trưởng GRDP cả nước, sẽ trở thành nơi đáng sống tại Việt Nam
Tháp Nhạn, Phú Yên

Thu hút công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Phú Yên, năm 2023, đơn vị đã trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới phía Đông Hòa Vinh với vốn đăng ký hơn 1.613 tỷ đồng, diện tích 29,6ha; chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án (3 dự án liên quan đến xăng dầu, 1 dự án khai thác mỏ đất).

Ban Quản lý đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 dự án đăng ký mới; chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của 9 dự án.

Trong năm, đơn vị làm chủ đầu tư 8 dự án. Trong đó, đã thi công hoàn thành 2 dự án, triển khai thi công mới 1 dự án, tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để tiếp tục triển khai thi công 5 dự án chuyển tiếp còn lại.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã tham mưu UBND tỉnh Phú Yên làm việc với các nhà tư lớn quan tâm tìm hiểu, đề xuất dự án đầu tư tại KKT Nam Phú Yên và định hướng thu hút đầu tư vào KCN Hòa Tâm và cảng Bãi Gốc.

Hiện, có một số nhà đầu tư lớn quan tâm, tiếp cận nghiên cứu đầu tư tại khu vực này như: Dự án Cảng Bãi Gốc, diện tích khoảng 220ha, tổng mức đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Hòa Tâm, diện tích 1.080ha, tổng mức đầu tư 13.300 tỷ đồng; dự án Khu liên hợp Gang thép tại KCN Hòa Tâm, diện tích 520ha, tổng mức đầu tư 80.000 tỷ đồng; dự án Khu thương mại dịch vụ, diện tích 40ha, tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng; dự án Tổ hợp lọc hóa dầu, công suất 8 triệu tấn/năm…

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, Phú Yên sẽ xây dựng, phát triển KKT Nam Phú Yên trở thành KKT tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng... vào KCN Hòa Tâm nhằm khai thác tiềm năng cảng Bãi Gốc.

Đồng thời, xây dựng KKT Nam Phú Yên thành một trung tâm dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực, tạo bứt phá về kinh tế - xã hội trong khu vực duyên hải Trung Bộ và liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ với Tây Nguyên.