2023 được xem là năm rất thành công của tỉnh Nam Định. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, hầu hết chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 10,19%, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước đạt 10.452 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trước 2 năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,58%.

Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, ngành công nghiệp và dịch vụ của Nam Định đã chiếm tỷ trọng khoảng 80% trong cơ cấu kinh tế. Kết quả này đưa Nam Định xếp thứ 6 toàn quốc về mức tăng GRDP chỉ sau các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hậu Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng; xếp thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng.

Đáng chú ý, Nam Định đang là điểm đến được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới đánh giá cao bởi có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp...

Từ đầu năm 2023 đến nay, sức thu hút đầu tư của tỉnh Nam Định được ghi dấu mạnh mẽ bởi một số dự án lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như: 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện với tổng mức đầu tư là 98.000 tỷ đồng, dự án của Tập đoàn Quanta (Đài Loan, Trung Quốc) với tổng mức đầu tư 120 triệu USD, ký kết thỏa thuận phát triển dự án đầu tư với Tập đoàn Sunrise Material...

Một tỉnh nhỏ ven biển tăng trưởng ngoạn mục: GRDP cao nhất từ trước đến nay, được nhiều 'ông lớn' rót vốn

Khu công nghiệp Rạng Đông, Nam Định

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho biết, tỉnh đã dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ (đây là Cụm công trình kênh nối thủy lớn nhất Việt Nam); cơ bản hoàn thành Tỉnh lộ 485B; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định.

Tỉnh cũng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình...

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, như: Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng; triển khai thủ tục đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Trung Thành; các cụm công nghiệp Giao Thiện, Tân Thịnh... để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh.

Thành phố Nam Định: Nhìn lại chặng đường 10 năm đô thị loại I

Thành phố Nam Định

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa qua cũng đã ký phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ tỉnh Nam Định với diện tích tự nhiên 1.668,8km2; 10 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 9 huyện) và phần không gian biển được xác định.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng nam đồng bằng sông Hồng.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Nam Định phấn đấu tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến năm 2030, tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 12%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 50%; dịch vụ chiếm khoảng 38%.

GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 160-180 triệu đồng.