Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả do Phạm Ngọc Tiến (sinh năm 1988) và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông) cầm đầu.
Mức án nào cho dược sĩ điều hành đường dây thực phẩm chức năng giả hơn 100 tấn?

Các đối tượng liên quan đến vụ án. Ảnh minh hoạ

Theo điều tra, Tiến là dược sĩ, đã lợi dụng chuyên môn để tự bào chế công thức sản phẩm. Ban đầu, Tiến nhập hàng từ nước ngoài để phân phối trong nước. Khi thấy nhu cầu thị trường cao, lợi nhuận lớn, ông ta chuyển sang sản xuất hàng giả trong nước nhưng gắn nhãn mác ngoại để đánh lừa người tiêu dùng.

Tiến chỉ đạo kế toán Lương Thị Yến (sinh năm 1990, trú tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) thành lập 17 công ty chuyên nhập khẩu, phân phối hàng hóa. Các nguyên vật liệu được mua trong nước, vận chuyển về xưởng sản xuất tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tại đây, nhân viên không có chuyên môn được giao nhiệm vụ pha trộn, đóng viên, đóng gói các sản phẩm gắn mác hàng ngoại. Ngoài ra, Tiến còn lập Công ty in Âu Việt tại tỉnh Vĩnh Phúc để in tem, màng nhôm phục vụ ép vỉ sản phẩm.

Ngày 7 tháng 5 năm 2025, Công an TP Hà Nội tổ chức khám xét khẩn cấp 15 địa điểm tại nhiều tỉnh, thành, là nơi các đối tượng sản xuất, cất giấu, tiêu thụ hàng hóa. Tang vật thu giữ gồm 28.531 hộp, 34.822 lọ, 38.935 vỉ viên thực phẩm chức năng, 8.535 thùng vỏ hộp, gần 100 thùng tem nhãn, cùng nhiều máy móc, dây chuyền, công cụ sản xuất. Tổng khối lượng hàng hóa lên tới hơn 100 tấn, với khoảng 100 mã sản phẩm khác nhau.

Tất cả sản phẩm đều mang nhãn hiệu tiếng nước ngoài, giả mạo xuất xứ. Cơ quan điều tra xác định hàng giả đã được phân phối tới hàng trăm hiệu thuốc, bệnh viện và cá nhân trên cả nước.

Theo ĐS&PL, luật sư Phạm Hồng Kiên (Công ty luật Cán cân Việt) cho biết, với những tài liệu, chứng cứ đã thu thập, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo Điều 193 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể:

Khoản 1: Phạt tù từ 2 đến 5 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm.

Khoản 2: Phạt tù từ 5 đến 10 năm nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ, buôn bán qua biên giới, hoặc gây thiệt hại từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.

Khoản 3: Phạt từ 10 đến 15 năm nếu hàng giả có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng người khác.

Khoản 4: Phạt từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên, gây thiệt hại tài sản lớn, làm chết từ hai người trở lên...

Ngoài án tù, toàn bộ hàng hóa giả sẽ bị thu giữ, tiêu hủy. Số tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước. Các pháp nhân thương mại có liên quan cũng có thể bị xem xét khởi tố theo quy định.

Luật sư Kiên cho biết, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ quá trình hoạt động của các doanh nghiệp liên quan, từ khâu thành lập công ty, xin cấp giấy phép, công bố sản phẩm, xuất nhập khẩu, kê khai thuế đến quá trình thanh tra, hậu kiểm. Việc xác định có hay không sự tiếp tay, bao che của các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ là bước quan trọng để xử lý triệt để vụ án.

Vụ việc một lần nữa cho thấy mức độ nghiêm trọng của tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và thực phẩm. Luật sư Kiên nhận định, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý nghiêm các đường dây tương tự nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.