Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cá nhân từ 16 tuổi trở lên được góp vốn lập doanh nghiệp thay vì đủ 18 tuổi như hiện nay.
Ông Hiếu cho biết, theo pháp luật hiện nay, người từ 16 tuổi trở lên không còn là trẻ em. Cùng với đó, quy định độ tuổi lao động là từ 15 tuổi trở lên có quyền lao động.
Ngoài ra, người chưa đủ 18 tuổi chưa đủ năng lực hành vi dân sự nhưng ông Hiếu cho biết, quy định hiện hành là người từ 15 tuổi trở lên có thể tự xác lập được hành vi, giao dịch dân sự, trừ quyền sử dụng đất, bất động sản.
Ông Hiếu nêu ví dụ: “Một học sinh cấp hai có định hướng nghề nghiệp, học trường cao đẳng nghề, mở một cửa hàng bán trà sữa, tại sao không cho họ có quyền này?". Đồng thời, ông Hiếu đề nghị người từ 16 tuổi trở lên được tham gia góp vốn lập doanh nghiệp.
![]() |
Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu ý kiến tại phiên thảo luận dự Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Về vấn đề này, ông Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết, “cần phải cân nhắc” bởi các quy định hiện hành đều đã nêu rõ quyền lập, điều hành doanh nghiệp.
Ông Ba nói: “Quyền góp vốn của người chưa thành niên vào doanh nghiệp từ lâu không bị cấm, cá nhân có tài sản đều có quyền góp vốn lập doanh nghiệp. Luật chỉ cấm cán bộ công chức, viên chức, lao động thuộc lực lượng vũ trang... góp vốn vào công ty để tránh xung đột lợi ích”.
Bên cạnh đó, về quyền thành lập, quản trị doanh nghiệp, ông Ba cho rằng đòi hỏi năng lực quản trị nhất định.
Ông Ba nêu quan điểm: “Khi một doanh nghiệp tham gia vào nhiều quan hệ kinh tế mà sáng lập doanh nghiệp là người chưa thành niên, thì cần cân nhắc và đánh giá tác động kỹ lưỡng”.
Ngoài ra, về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh và hơn 940 nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành và dự thảo luật lần này chưa đề cập việc cải cách mô hình hộ kinh doanh, trong khi đây là nội dung trọng tâm đã được xác định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần đưa ra lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với thời hạn xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026. Cùng với đó, cần sớm ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân để áp dụng cho các mô hình kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ.
Đại biểu nói: “Luật Doanh nghiệp được sửa đổi lần này trong bối cảnh Bộ Chính trị xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, đây là “thời điểm vàng” hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, minh bạch và bình đẳng”.