Măng le là phần non của cây le – một loài thuộc họ tre nứa, mọc nhiều ở các vùng đất đỏ bazan màu mỡ. Khác với măng tre hay măng nứa đôi khi đắng hoặc phải ngâm kỹ mới ăn được, măng le đặc ruột, ngọt bùi và lành tính, có thể sử dụng ngay sau khi sơ chế.
Mùa măng le thường bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10, khi những cơn mưa mùa hạ tưới mát núi rừng. Từ những bụi le rậm rạp, các chồi măng non nhú lên khỏi lớp lá mục, báo hiệu một mùa thu hoạch bội thu.
![]() |
Măng le được rao bán trên chợ mạng - Ảnh chụp màn hình |
“Trước đây, măng le nhiều lắm, bà con vào rừng hái về nấu ăn, gắn liền với bữa cơm thời khó khăn. Giờ đây, măng le trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Nó giống như ‘lộc rừng’, giúp người dân có thêm thu nhập”, anh Hoàng Trung (36 tuổi, Gia Lai) chia sẻ.
Việc lấy măng le không dễ. Cây mọc thành bụi thấp, tán rậm, muốn lấy được măng phải luồn sâu vào bên trong, dùng dao cắt đất rồi mới bẻ được măng từ gốc. Loại ngon nhất là măng còn nằm dưới lớp lá khô hoặc trong các hốc đá – bé, mập, chắc, ngọt lịm.
![]() |
Những năm gần đây, măng le được người tiêu dùng khắp nơi “săn lùng” nhờ hương vị hấp dẫn |
![]() |
Măng khô giữ được vị ngọt, thơm tự nhiên, dễ bảo quản |
Những năm gần đây, măng le được người tiêu dùng khắp nơi “săn lùng”. Từ món luộc chấm mắm, xào với đậu phộng, kho thịt, nấu canh chua hay hầm xương, măng le đều mang lại vị ngọt thanh tự nhiên khó quên.
Trong đó, món vịt hầm măng le là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị béo mềm của thịt vịt, vị bùi mát của măng cùng chút tiêu rừng, mắm gừng – tạo nên dư vị độc đáo, ăn một lần là nhớ mãi.
Để có thể dùng quanh năm, nhiều gia đình còn sơ chế và phơi khô măng le. Măng khô giữ được vị ngọt, thơm tự nhiên, dễ bảo quản và vận chuyển. Trên các sàn thương mại điện tử hoặc chợ mạng, giá măng le khô dao động từ 200.000 – 300.000 đồng/kg, trong khi măng tươi có giá khoảng 70.000 đồng/kg.
Hiện nay, nhiều nhà hàng ở Tây Nguyên đã đưa măng le vào thực đơn, phục vụ khách du lịch và người sành ăn. Nhờ tên gọi lạ tai, hương vị độc đáo và giá trị dinh dưỡng cao, măng le đã trở thành món quà của rừng được ưa chuộng, góp phần tôn vinh ẩm thực bản địa và hỗ trợ sinh kế cho bà con nơi đây.