Tối 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực đường sắt. Tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam của VinSpeed (thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vingroup) và báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét quyết định.

Theo đề xuất, VinSpeed mong muốn thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỷ đồng (tương đương 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp cam kết tự thu xếp 20% vốn (khoảng 12,27 tỷ USD), phần còn lại sẽ đề xuất vay từ nguồn vốn Nhà nước, không lãi suất trong thời hạn 35 năm.

Chỉ đạo của Thủ tướng về đề xuất làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 61 tỷ USD của VinSpeed
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc

Thủ tướng nhấn mạnh các Bộ ngành phải triển khai công việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền", dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, Bộ Xây dựng báo cáo tiến độ tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là dự án dài gần 419 km, tổng mức đầu tư hơn 8,3 tỷ USD, hiện đã hoàn thành bước thiết kế ranh giới giải phóng mặt bằng và định vị tim tuyến. Các địa phương liên quan đã thành lập ban chỉ đạo, chuẩn bị mặt bằng và phối hợp rà soát hướng tuyến. Dự án đang bước vào giai đoạn chuẩn bị hồ sơ môi trường, thiết kế kỹ thuật và tính toán nguồn vốn.

Đáng chú ý, hai tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, gồm Hà Nội - Đồng Đăng và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái cũng được đưa vào danh sách các dự án trọng điểm, với tổng mức đầu tư lần lượt là 6 tỷ USD và 7 tỷ USD. Các bước lập quy hoạch, báo cáo tiền khả thi và khung chính sách đầu tư đang được xúc tiến.

Thủ tướng yêu cầu khởi công tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào ngày 19/12 tới, giao Bộ Xây dựng lập tiến độ chi tiết và báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chuyển giao công nghệ phải được đặt lên hàng đầu, tập trung vào hai lĩnh vực then chốt: sản xuất đầu máy kéo và hệ thống tín hiệu - nền tảng để Việt Nam làm chủ công nghệ đường sắt trong tương lai